Xây dựng thương hiệu trà giảo cổ lam huyện Tân Lạc

Trong quá trình khảo sát và đánh giá tiềm năng tại địa bàn 2 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã tìm ra được một số thế mạnh của địa phương này, trong đó có cây giảo cổ lam.

Đây là loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. HTX Tân Lạc Sơn đã quyết định đầu tư, chuẩn hóa quy trình sản xuất và đẩy mạnh phát triển thảo dược này. Qua đó giúp làm chủ được đầu ra, nâng cao thu nhập cho thành viên cũng như các hộ liên kết sản xuất cùng HTX. Đến nay, để thuận tiện cho quá trình sử dụng giảo cổ lam, sản phẩm đã được chế biến thành trà giảo cổ lam loại đóng gói và loại túi lọc. Chính vì vậy, trà giảo cổ lam ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng.

HTX đề ra mục tiêu đưa sản phẩm của người nông dân trực tiếp lên kệ hàng siêu thị, cửa hàng thuốc… từ đó, nâng cao giá thu mua, giảm khả năng ép giá của tư thương, nâng cao thu nhập cho bà con. Song song với việc sản xuất, HTX Tân Lạc Sơn còn trực tiếp hướng dẫn bà con thu hái bền vững, thu hái để lại gốc và hạt để giảo cổ lam có thể phục hồi tự nhiên. HTX có 5 người trực tiếp sản xuất với thu nhập bình quân 3,1 triệu đồng/người/tháng. HTX đã hợp tác với 3 nhóm ở các xã để thu gom giao cổ lam, mỗi nhóm có 12 người và thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Giảo cổ lam sau khi được thu hái từ vùng nguyên liệu, thành viên HTX nhặt tuyển loại bỏ rác và làm sạch, chặt ngắn 1-1,5 cm sau đó sao khô, đóng gói theo quy cách trọng lượng, dán nhãn, hạn sử dụng.

Sản phẩm trà giảo cổ lam của HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Sản phẩm trà giảo cổ lam của HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Năm 2017, HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng từ quỹ khuyến công của huyện, HTX đối ứng 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền máy đóng trà túi lọc, hút chân không, lò sao, máy in hạn sử dụng. Sản phẩm được chế biến 100% từ cây giảo cổ lam 5 lá bé là loại đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh tác dụng hỗ trợ chữa bệnh. Sản phẩm đã được phân phối đi các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang. Sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đến nay, trà giảo cổ lam đã nhiều người biết đến với túi đóng gói 2 lạng, đủ cho nhu cầu dùng thông thường trong vòng 1 tháng với giá bán buôn 30.000 đồng/gói, giá bán lẻ là 50.000 đồng/gói. Tuy sản lượng bán chưa cao, nhưng những khách hàng đã dùng sản phẩm đều có phản hồi tốt về chất lượng sản phẩm như giúp hạ huyết áp, hạ mỡ máu, hoạt huyết, giúp tỉnh táo ban ngày và ngủ ngon vào ban đêm.

Đồng chí Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc kỹ thuật HTX Tân Lạc Sơn chia sẻ: Giảo cổ lam được trồng trong tự nhiên không có tác động của yếu tố bên ngoài vào quá trình sinh trưởng và phát triển. Vùng nguyên liệu hiện có 30 ha ở vùng núi đá thuộc các xã Phú Vinh, Phú Cường, Lỗ Sơn. Là cây dược liệu có nhiều công dụng tốt, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng, tiềm năng phát triển thành thương hiệu của huyện. Hiện nay, sản lượng của HTX sản xuất ra 1 tấn thành phẩm khô, tương đương tiêu thụ 6-7 tấn nguyên liệu tươi. HTX mong muốn được hỗ trợ về hạ tầng sản xuất để đạt tiêu chuẩn và đủ điều kiện công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, quy hoạch vùng nguyên liệu giảo cổ lam để ổn định đầu vào cho HTX. Hỗ trợ mặt bằng để HTX xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn và nâng dần quy mô sản xuất. Hỗ trợ vốn để cải tiến mẫu mã cho phù hợp, phát triển dòng sản phẩm mới trà túi lọc đính chỉ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/132470/xay-dung-thuong-hieu-tra-giao-co-lam-huyen-tan-lac.htm