Xây dựng thương hiệu trái cây Bình Phước - Bài 1
Được đánh giá là vùng đất rất thích hợp cho phát triển cây ăn trái và các chủng loại trái cây cũng đa dạng, phong phú với chất lượng thơm ngon có tiếng. Thế nhưng, Bình Phước chưa có bất kỳ loại trái cây nào xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện.
>> Xây dựng thương hiệu trái cây Bình Phước - Bài cuối
TRIỂN VỌNG CÂY ĂN TRÁI
Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái đang là xu hướng được nhiều nhà nông trong tỉnh nhân rộng. Nắm bắt được tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị và vươn xa đến các thị trường khó tính, một số vùng đã linh động chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát, rải rác sang tổ chức sản xuất theo quy hoạch nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu thị trường.
Nâng cao giá trị trái cây Bình Phước
Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ha cây ăn trái các loại, cùng 119 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, trang trại sản xuất, kinh doanh nông sản đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Nhiều loại trái cây được người tiêu dùng trong nước biết đến như: Sầu riêng Ba Đảo, bơ sáp Mã Dưỡng, xoài Thu Vân, quýt đường Tân Thành, mít nghệ Lộc Ninh... Theo đánh giá, thu nhập của người trồng cây ăn trái luôn cao hơn các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích đất. Bình quân mỗi héc ta cây ăn trái cho thu 200-300 triệu đồng. Không ít nhà nông từ các tỉnh miền Tây lên Bình Phước xây dựng những mô hình cây ăn trái cho thu nhập lên đến cả tỷ đồng/ha.
13 năm làm vườn, ông Đinh Văn Sanh (56 tuổi), nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở thôn Nhơn Hòa 2, xã Long Giang (Phước Long) luôn áp dụng công thức sản xuất sạch vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Nhà có 5 ha điều, 4,5 ha cao su nhưng ông chỉ mê 1,5 ha vườn cây ăn trái đa canh. Trên diện tích này, ông Sanh trồng 200 cây bưởi da xanh, 300 cây măng cụt và 30 cây sầu riêng Ri6, Mongthon. Hằng năm, gia đình ông thu lãi từ vườn cây ăn trái khoảng 500 triệu đồng. Ông Sanh chia sẻ: “Với tôi, tiêu chí đầu tiên trong làm nông là phải sản xuất theo phương thức hữu cơ để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và người tiêu dùng. Theo đó, tôi luôn lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật sinh học của các công ty lớn, có uy tín. Đặc thù của cây ăn trái là rễ tơ vươn lên mặt đất để tiếp nhận dinh dưỡng nên quanh năm tôi rải phân chuồng đã hoai hoặc dùng lá cây ủ làm phân tấp cho cây kèm theo vôi để chăm sóc bộ rễ, tránh nhiễm các loại nấm bệnh, sâu đục thân và tạo vị ngọt cho trái. Cây khỏe do bón phân hữu cơ nên bưởi da xanh cho trái quanh năm. Không lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại và phân bón hóa học nên dù trái cây của gia đình chưa được dán nhãn VietGAP nhưng đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường”.
“Trồng cây ăn trái đang là hướng đi đúng, giúp nông dân Bình Phước làm giàu nhanh nhưng nông dân phải bỏ tư duy “ăn xổi”. Xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh phải “nhấn” vào một số cây trồng chủ lực, như sầu riêng, bơ, bưởi da xanh... đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nông dân cũng phải quan tâm chọn giống tốt, chất lượng cao, quy hoạch lại vườn cây một cách khoa học, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ để duy trì sự sung mãn và tăng tuổi thọ của cây” - ông Sanh nói.
Từ “xứ sầu riêng” truyền thống Cai Lậy (Tiền Giang), ông Phan Văn Dước đưa gia đình lên vùng đất bazan ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng (Đồng Phú) trồng sầu riêng. Tới nay, ông đã phủ sầu riêng trên 3 ha, năng suất đạt hơn 30 tấn/ha, thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Ông Dước cho biết: Ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ đất trũng, rễ sầu riêng ăn sâu thì gặp nước mặn nên cây con dễ bị chết, vì vậy tôi chọn Bình Phước để phát triển loại cây trồng này. Sầu riêng trồng ở đây chẳng bao giờ bị úng nước, cây phát triển nhanh mà chất lượng trái không thua kém bất kỳ tỉnh nào trong khu vực. Vườn sầu riêng của gia đình xuống giống năm 1997, đa số trồng bằng hạt chứ không ghép như bây giờ. 6 năm sau, cây cho trái bói, nếm thử lứa trái đầu tôi cảm nhận độ thơm, ngon, béo, ngậy không thua kém sầu riêng trồng ở Cai Lậy.
Theo ông Dước, thổ nhưỡng, khí hậu chỉ quyết định 50% chất lượng trái, còn lại phụ thuộc vào kinh nghiệm trồng. Do vậy, ở tuổi 68, hằng ngày ông vẫn cuốc đất, trèo cây vì niềm đam mê với loại trái cây gắn bó với cuộc đời mình. Mặc dù sầu riêng “ông Dước” thơm ngon có tiếng, được thương lái khắp nơi đổ về thu mua nhưng ông vẫn trăn trở làm sao xây dựng được thương hiệu cho trái sầu riêng Bình Phước có thể sánh với sầu riêng nổi tiếng xuất khẩu đi nước ngoài như ở Cai Lậy?
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Bình Phước được Liên minh HTX Việt Nam chọn là địa phương thí điểm xây dựng và phát triển HTX kiểu mới của khu vực Đông Nam bộ. Việc quan tâm thành lập HTX, tổ hợp tác trồng cây ăn trái giúp các nông dân liên kết lại tạo thành vùng chuyên canh, cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.
Điển hình như ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long), các hộ trồng cây ăn trái đã liên kết tạo thành vùng chuyên canh khoảng 1.000 ha, trong đó cây nhãn tiêu da bò chiếm hơn một nửa diện tích. Từ hiệu quả trồng nhãn tiêu da bò, ấp Thanh An đang mở rộng diện tích hoặc trồng xen các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như cam sành, bưởi da xanh, quýt đường, chanh hoa tím. Trong đó, 35 hộ với 170 ha cây ăn trái trong ấp đã được công nhận VietGAP.
Ông Trần Tuấn Dũng ở tổ 3, ấp Thanh An đã 20 năm gắn bó với trồng cây ăn trái. Ông luôn tìm tòi, trồng thử nghiệm nhiều loại cây phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này. Ban đầu là nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, cam, quýt và sắp tới là sầu riêng Ri6, bơ A34. Phương châm của các thành viên trong HTX là đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, tiến dần đến chuẩn quy trình hữu cơ sinh học hoàn toàn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Dũng đặc biệt chú ý yếu tố “sạch” trong sản xuất. Làm theo hướng hữu cơ sinh học là cách ông Dũng áp dụng cho vườn cây ăn trái ngay từ khâu làm đất, xuống giống đến khi cây bén rễ trưởng thành và ra trái. “Mục tiêu của chúng tôi là liên kết, thu hút nông dân tham gia sản xuất an toàn, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tìm giải pháp hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng. Từ đó, có thể cung cấp ra thị trường trái cây sạch với sản lượng lớn, ổn định và lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích” - ông Dũng khẳng định.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại những vùng có diện tích trồng cây ăn trái từ 10 ha trở lên để quy hoạch vùng nguyên liệu. Đây là bước tạo đà để trái cây hướng tới thị trường tiềm năng, như Trung Quốc, EU, Mỹ... Với nhu cầu xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thì việc một nông dân sản xuất sạch theo hướng nhỏ lẻ hoàn toàn không đáp ứng được cả về yêu cầu sản lượng cũng như giá cả. Vì vậy, nông dân phải liên kết lại thông qua HTX, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất sạch, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc để cung cấp số lượng lớn mà thị trường yêu cầu. Như vậy mới loại bỏ được hiện tượng tranh mua tranh bán, tư thương ép giá như hiện nay. Bước vào sân chơi quốc tế và phát triển bền vững, nông sản phải hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của HTX. HTX là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho nông sản trong chuỗi giá trị.