Xây dựng tình yêu, sở thích đọc sách từ những thói quen nhỏ
Đối với trẻ em, ngày nay, nhiều người lớn dường như đã vô tình quên đi ích lợi của việc đọc sách. Còn các em có thể cũng chưa được dạy một cách đúng nghĩa việc này.
Để công tác khuyến đọc không chỉ dừng ở phong trào, trước hết người lớn, các bậc ông bà, cha mẹ, các nhà lãnh đạo, quản lý, thầy cô hãy trở thành những tấm gương trong việc đọc sách, dẫn dắt, xây dựng tình yêu sách cho người trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Khi văn hóa đọc ngày càng trở nên... "xa xỉ"
Sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người; là nơi lưu giữ những nguồn tri thức vô giá của nhân loại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Không những vậy, sách còn là một dạng tài liệu, một hình thức tự học đơn giản nhưng rất hiệu quả, giúp chúng ta có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực trong cuộc sống cũng như phát triển nhân cách, hoàn thiện bản thân.
Sách giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương thấu hiểu đồng loại, biết chia sẻ những khó khăn với người khác.
Người xưa đề cao vai trò của sách: “Thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc), hay “Vạn ban giai hạ phẩm / Duy hữu độc thư cao” (mọi việc đều thấp kém, duy chỉ có đọc sách là cao quý). Nhà bác học Lê Quý Đôn cũng có câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng / Không bằng kinh sử một vài pho”. Bởi, người xưa quan niệm: Trong sách có đạo lý thánh hiền. Đọc sách học được nhiều điều hay, giúp mở mang đầu óc.
Khoa học đã chứng minh đọc sách giúp kích thích não bộ. Thói quen đọc sách giúp kích thích các dây thần kinh não bộ, giảm chứng mất trí nhớ và Alzheimer, giữ cho não bộ hoạt động và tham gia ngăn không cho bị mất năng lượng, tránh lão hóa.
Nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của sách, Đảng và Nhà nước ta đã lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, như một dịp để tôn vinh sách, tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với mỗi người dân.
Thế nhưng, cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt sự bùng nổ của cuộc cách mạng số, văn hóa đọc sách dường như trở thành "xa xỉ", nhất là với giới trẻ hiện nay chuộng văn hóa nghe, nhìn.
Đối với trẻ em, ngày nay, nhiều người lớn dường như đã vô tình quên đi ích lợi của việc đọc sách. Còn các em có thể cũng chưa được dạy hay giáo dục một cách đúng nghĩa việc đọc sách. Và do đó, văn hóa đọc ngày càng trở nên xa lạ và bị mai một trong cuộc sống hiện đại.
Xây dựng sở thích đọc từ những thói quen nhỏ
Đọc sách là một loại công việc trí não, tĩnh lặng, được thôi thúc bởi sự ham thích tự thân mỗi người hoặc xuất phát từ một nhu cầu cụ thể nào đó (như giải trí, trích dẫn tài liệu làm bài thi, ôn thi, tìm hiểu cách thức làm ăn, làm đẹp...).
Ngày nay, tôi biết vẫn có những em học sinh dành tiền được người lớn mừng tuổi để mua sách. Đó là những đứa trẻ đã được ông bà, cha mẹ, thầy cô định hướng thói quen tốt, có cả tủ sách và sở hữu kho tàng kiến thức phong phú từ khi còn học phổ thông.
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người. Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện.
Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời, đó là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản.
Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể. Có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách phổ biến khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật... Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu màu sắc cho việc đọc trong xã hội.
Để công tác khuyến đọc không chỉ dừng ở phong trào, trước hết người lớn, các bậc ông bà, cha mẹ, các nhà lãnh đạo, quản lý, thầy cô hãy trở thành những tấm gương trong việc đọc sách, dẫn dắt, xây dựng tình yêu sách cho người trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Minh Anh / Công lý