XÂY DỰNG TỔ CHỨC AN SINH XÃ HỘI HIỆN ĐẠI TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, sau 2,5 năm triển khai Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn làm cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế nói chung và chuyển đổi, xây dựng tổ chức an sinh xã hội hiện đại ở nước ta trong thời kỳ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, bắt kịp xu thế mới, hành động mau lẹ và quyết tâm, chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại, tạo bứt phá vươn lên, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ban hành Chương trình về chuyển đổi số quốc gia[2] trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của BCH Trung ương Đảng “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Tiếp đó, ngày 15/11/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2023 là năm trọng tâm chuyển đổi số: Phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.
Với quan điểm xuyên suốt, lấy xây dựng, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số “Thể chế phải đi trước một bước để giúp chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn” trên cơ sở tiếp cận “ Một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản; phát hiện sự bất cập lạc hậu thì sửa ngay theo quy trình rút gọn, sửa từng điểm thì sẽ sửa đúng và nhanh hơn, từ đó phản ánh được hơi thở của cuộc sống”, vì vậy, tính đến hết ngày 12/7/2023, đã có trên 20 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, ngày càng tạo ra sự tích cực tốt trong chuyển biến nhận thức, thực thi, hành động.
Kết quả “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (gọi tắt là Đề án 06) tính đến hết ngày 30/6/2023, đã thu được nhiều kết quả tích cực, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp-viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty viễn thông di động (MobiFone) và 63/63 địa phương để khai thác thông tin dân cư. Tiếp nhận tổng số hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu thông tin đúng (1.014.473.517 yêu cầu, 100% trùng khớp các thông tin).
Việc tạo lập, kết nối chia sẻ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “thần tốc” trên quy mô quốc gia cũng đạt nhiều kết quả chất lượng, tính hết ngày 30/6/2023 với 33 Bộ ngành và 63 tỉnh, thành phố của nước ta đã hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 07 bộ, ngành và 48 địa phương đồng bộ hóa 100% dữ liệu, các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số dữ liệu giai đoạn 1 (dữ liệu đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia hơn 2 triệu hồ sơ (2.087.114 hồ sơ, trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ đạt 50,25%; địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ đạt 96,28% ).
Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Như vậy, sau 2,5 năm triển khai Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn làm cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế nói chung và chuyển đổi, xây dựng tổ chức ASXH hiện đại ở nước ta trong thời kỳ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Ở Việt Nam, nhận thức về ASXH, quyền ASXH ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1- 6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra quan điểm bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: 1- Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; 2- Bảo hiểm xã hội; 3- Trợ giúp xã hội (TGXH) những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 4- Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Quan điểm này trở thành cơ sở nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn và thời kỳ chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82320