Xây dựng tổ chức đảng trong hợp tác xã: Khó ở đâu, tháo gỡ ở đó. Bài 1: Tổ chức cơ sở đảng trong hợp tác xã chưa xứng tầm

Để phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, việc nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nói chung là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) đã nhấn mạnh đến việc hướng dẫn xây dựng cơ sở đảng và các đoàn thể trong các tổ chức KTTT. Tuy nhiên, tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng trong HTX hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra trong khu vực KTTT. Phát triển TCCS đảng trong HTX hiện đang là bài toán khó đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

“Người của mình, việc của mình thì triển khai dễ dàng hơn”

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thủy Ba Tây (HTX Thủy Ba Tây), xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn bộc bạch như vậy khi bàn đến câu chuyện sẽ thuận lợi như thế nào nếu HTX thành lập chi bộ. Chi bộ thôn Thủy Ba Tây hiện có 114 đảng viên, trong đó thành viên HTX chiếm 2/3.

Nhờ sự đột phá trong định hướng phát triển của ban điều hành, HTX An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong là đơn vị đi đầu trong sản xuất giống lúa mới ST24 đạt tiêu chuẩn VietGap - Ảnh: T.T

Nhờ sự đột phá trong định hướng phát triển của ban điều hành, HTX An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong là đơn vị đi đầu trong sản xuất giống lúa mới ST24 đạt tiêu chuẩn VietGap - Ảnh: T.T

Là giám đốc HTX, tham gia cấp ủy chi bộ thôn, ông Lâm có nhiều thuận lợi khi đề ra các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế của HTX cũng như khi tham mưu cấp ủy triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, các kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD), các mô hình sản xuất mới của HTX. Chi bộ ban hành nghị quyết thực hiện, đồng thời yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội của địa phương tham gia ủng hộ.

Ông Lâm dẫn chứng về câu chuyện triển khai mô hình mới vừa áp dụng cho vụ hè thu năm 2023, đó là lần đầu tiên, HTX đưa công cụ sạ cụm vào trồng lúa trên diện tích 2 ha, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng. Thoạt nghe, nông dân Thủy Ba Tây hết sức e ngại.

“Để thành viên HTX đồng tình áp dụng kỹ thuật mới này, trong các cuộc họp chi bộ thôn trước đó, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đảng viên là thành viên HTX. Với vai trò là đảng viên, thành viên HTX chủ động tuyên truyền các thành viên khác hiểu được lợi ích của phương pháp này để thống nhất áp dụng thực hiện và đã mang lại hiệu quả tích cực. Nếu như lượng giống lúa người dân sử dụng phổ biến là 100 - 120 kg/ha, thậm chí 130 kg/ha, thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ cần 50 - 60 kg/ha, tiết kiệm chi phí mua giống, kéo theo giảm lượng phân bón... ”, ông Lâm cho biết.

Nhờ tư duy năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của ban giám đốc mà trong đó có dấu ấn rõ nét của ông Lâm, HTX Thủy Ba Tây là đơn vị đi đầu hưởng ứng phong trào dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là HTX nông nghiệp duy nhất vinh dự được tặng cờ thi đua của Chính phủ năm 2022 trong tổng số 307 HTX nông nghiệp của toàn tỉnh.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, theo như ông Lâm chia sẻ, vẫn có không ít sự “bất tiện” khi các nội dung công việc đặc thù của HTX được bàn bạc trong cuộc họp chi bộ thôn.

“Trong chi bộ thôn có cả đảng viên không phải là thành viên HTX nên việc triển khai các nghị quyết, các chủ trương liên quan đến hoạt động SXKD của HTX, các mô hình mới đôi khi cũng bị hạn chế. Thậm chí, khi lấy ý kiến tham khảo của đảng viên để triển khai các mô hình sản xuất mới, một vài ý kiến của đảng viên không phải là thành viên HTX biểu thị không đồng tình cũng ảnh hưởng đến việc chung. Nếu huyện có chủ trương cho thành lập chi bộ riêng của HTX thì thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị. Việc đề ra phương hướng phát triển cho HTX sẽ sát sao hơn, tăng thêm sức mạnh để phát triển kinh tế”, ông Lâm cho biết.

40 năm gắn bó với HTX An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, trong đó có 20 năm là chủ nhiệm, rồi giám đốc HTX (đã nghỉ công việc ở HTX từ tháng 6/2023), ông Lê Văn Lại, hiện là Bí thư Chi bộ thôn An Lợi trải qua rất nhiều thời kỳ “vạn sự khởi đầu nan” trong việc tiên phong áp dụng mô hình sản xuất mới.

Trong rất nhiều câu chuyện đã qua, ông ấn tượng mãi tình huống mình đã gặp không ít rào cản khi đặt vấn đề với Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi, nay là Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa giống.

Điều kiện đầu tiên mà trung tâm đặt là HTX phải xây dựng được mô hình cánh đồng liền kề, càng ít hộ tham gia càng tốt. Tìm đâu ra diện tích lớn để triển khai mô hình?

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Lại quyết định làm đề án thuê lại diện tích đất nằm trong 5% đất công ích chưa sử dụng do UBND xã quản lý. Đáng bàn là, diện tích đất này ai cũng thấy được là vừa bạc màu, địa hình khó, không có khả năng canh tác, bỏ hoang đã lâu.

Ông Lại kể: “Lúc đó muốn triển khai được, phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để cải tạo cánh đồng hoang hóa bạc màu, chưa kể chi phí để triển khai mô hình. Nếu tập thể HTX đầu tư kinh phí thì phải thành lập tổ sản xuất và đấu giá để thu khoản tiền cải tạo, nhưng phương án này khi đưa ra bàn bạc không được chấp nhận vì ai cũng ngại rủi ro, rất nhiều ý kiến bàn lùi. Nhưng tôi đã quyết tâm làm. Lấy kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm, rồi giám đốc HTX, uy tín của đảng viên, tôi cam kết với người dân là làm được và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu mô hình không thành công”.

Nhờ kiên trì và quyết tâm cao, ông Lại đã vận động được 12 hộ tham gia, mỗi hộ nộp 5 triệu đồng, tiến hành san ủi diện tích 3,5 ha, phân chia lô cho từng hộ theo điều kiện sản xuất và bắt tay vào sản xuất giống lúa.

Qua một năm đầu tiên đã thành hình thành dáng cánh đồng, người dân đến xem đều trầm trồ thán phục. Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục vận động các hộ dân có đất ruộng liền kề tham gia mở rộng diện tích, đến nay đã xây dựng cánh đồng 5 ha.

Ông Lại bày tỏ, với trường hợp này, nếu HTX có chi bộ độc lập, thống nhất vai trò của bí thư chi bộ, giám đốc HTX để quán triệt chủ trương và kế hoạch đến đảng viên, lan tỏa đến các thành viên HTX thì chắc chắn việc đồng nhất quan điểm để triển khai mô hình sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Vì sao đủ điều kiện nhưng vẫn khó để thành lập chi bộ?

Khi tìm hiểu về tình hình phát triển TCCS đảng trong HTX ở các địa phương toàn tỉnh, thông tin chúng tôi nhận được là hầu hết các HTX chưa thành lập chi bộ. Số lượng HTX nhiều, thành viên tham gia HTX đông đảo, tuy nhiên, số HTX có TCCS đảng lại rất mỏng, nhất là đối với HTX nông nghiệp.

Như đối với huyện Vĩnh Linh, sau hơn 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, toàn huyện hiện có 66 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có nhiều HTX đã được công nhận điển hình tiên tiến. Hầu hết các HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có số đảng viên đông. Tuy nhiên, chưa có HTX nào thành lập chi bộ độc lập, đảng viên là thành viên HTX sinh hoạt theo chi bộ nơi cư trú.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm đích thân “thị phạm” máy sạ cụm trên đồng ruộng - Ảnh: T.T

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm đích thân “thị phạm” máy sạ cụm trên đồng ruộng - Ảnh: T.T

Toàn tỉnh hiện có 336 HTX, trong đó có 307 HTX nông nghiệp, 29 HTX phi nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với tổng số 95.423 thành viên. Đến nay, mới chỉ có 17 HTX thành lập chi bộ, trong đó có 6 chi bộ HTX với 38 đảng viên, 11 chi bộ quỹ tín dụng nhân dân (TDND) hoạt động theo mô hình HTX. Như vậy, số HTX có TCCS đảng chỉ chiếm khoảng 5,5%. Còn lại, phần lớn đảng viên trong các HTX hiện đang sinh hoạt với tổ chức đảng nơi cư trú.

Phải khẳng định lại, mô hình kinh tế HTX luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.

Từ năm 2006, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Văn bản 02 - HD/BTCTW hướng dẫn xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các HTX và liên hiệp HTX, trong đó nêu rõ: “Ban Bí thư đồng ý chủ trương lập lại chi bộ trong HTX nông nghiệp và giao cho Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện”.

Theo đó, đối với HTX nông nghiệp chưa có tổ chức đảng nhưng đã có đủ điều kiện để thành lập chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng thì đảng ủy xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn (nếu xã, phường, thị trấn là chi bộ cơ sở thì thành lập tổ đảng).

Các HTX phi nông nghiệp, HTX nông nghiệp tổng hợp đa ngành nghề có quy mô lớn, các liên hiệp HTX nếu chưa có tổ chức đảng nhưng có đủ điều kiện để thành lập chi bộ, đảng bộ theo quy định của Điều lệ Đảng thì cấp ủy huyện, quận và tương đương căn cứ vào quy mô, phạm vi hoạt động SXKD, số lượng đảng viên và vai trò, vị trí của HTX, liên hiệp HTX để thành lập tổ chức đảng.

Như vậy, chủ trương phát triển TCCS đảng trong các HTX đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tổ chức, hoạt động và phát triển tổ chức đảng trong khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đặt ra.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang chia sẻ, theo quy định thì đối với các chi bộ thôn, chức danh bí thư chi bộ được hưởng phụ cấp, tuy nhiên chưa có chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm công tác Đảng trong HTX, trong khi đó HTX nông nghiệp nguồn thu khó khăn nên khó đảm bảo có thêm phụ cấp cho chức danh bí thư chi bộ.

Mặt khác, ở các chi bộ thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện nay, đảng viên có tuổi đời cao thì được miễn tham gia sinh hoạt, đảng viên trẻ phần đông đi làm ăn xa, do đó nếu tách đảng viên là thành viên HTX ra để thành lập riêng chi bộ HTX thì số đảng viên còn lại của chi bộ thôn sẽ ít đi, không đảm bảo chất lượng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quá ít HTX thành lập chi bộ, trong đó phần lớn là do nhận thức của lãnh đạo HTX về việc thành lập tổ chức đảng chưa đầy đủ. Nhiều HTX lo ngại khi có tổ chức đảng, phải chịu sự lãnh đạo và phải hội họp nhiều, ảnh hưởng đến thời gian, năng suất lao động. Bên cạnh đó, có nhiều loại hình HTX và mỗi loại hình HTX trong các lĩnh vực có quy mô, cách thức tổ chức khác nhau.

Trong xu hướng hiện nay, sự liên kết giữa các HTX ngày càng tăng, có HTX quy mô toàn xã, HTX liên xã, HTX khu vực, do đó ảnh hưởng đến việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong HTX... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển KTTT của một số cấp ủy, chính quyền trong tỉnh vẫn còn có nơi chưa kịp thời, sâu sát, nhận thức về KTTT, HTX trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ.

Thanh Trúc - Lê An

Bài 2: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hợp tác xã

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/xay-dung-to-chuc-dang-trong-hop-tac-xa-kho-o-dau-thao-go-o-do-bai-1-to-chuc-co-so-dang-trong-hop-tac-xa-chua-xung-tam/180106.htm