Xây dựng tổ chức hội vững mạnh '3 có, 3 biết'
Thực hiện phương châm 'Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ', nhiều năm nay, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, về hội viên, đặc biệt là hội viên và chi hội khó khăn. Việc hướng các chi hội phụ nữ cơ sở hoạt động theo nội dung '3 có, 3 biết' gồm: có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động và biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên đã góp phần tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ chi hội.
Chi hội phụ nữ tổ dân phố Hòa Bình, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) duy trì hoạt động thu gom phế liệu hàng tháng vì phụ nữ, trẻ em khó khăn.
Chi hội phụ nữ tổ dân phố Hòa Bình, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) được hội viên, phụ nữ xem là mái ấm thứ hai của mình. Từ lâu, chị em rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của hội để cùng nhau xây dựng “thương hiệu” cho chi hội phụ nữ tổ dân phố Hòa Bình “nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”. Chị Nguyễn Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Hòa Bình cho biết: Như đã thành nếp, hàng tháng chi hội duy trì ít nhất một hoạt động, nhưng thực tế, chi hội đã thực hiện thường xuyên nhiều hoạt động trong tháng, như: thu gom phế liệu bán gây quỹ thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tặng quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn, trẻ em vượt khó...; tổng dọn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; duy trì sinh hoạt văn hóa, thể thao rèn luyện sức khỏe... Trong chi hội, chị em biết nhau tận tường và thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống; cán bộ hội biết hội viên, nắm chắc hoàn cảnh của chị em để xây dựng kế hoạch giúp đỡ... góp phần xây dựng lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa.
Đối với Chi hội phụ nữ thôn Yên Trung, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) lại nổi lên phong trào giúp hội viên khó khăn thoát nghèo. Ngoài đề xuất với hội cấp trên trao tặng con giống (lợn, gà), chi hội còn phát động chị em hỗ trợ, giúp nhau ngày công lao động lúc khó khăn, hoạn nạn, giới thiệu việc làm cho hội viên tại công ty. Thông qua những hoạt động thiết thực trên, phong trào phụ nữ thôn Yên Trung ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng. Chi hội đã trở thành mái nhà chung của chị em và có hơn 40 hội viên có thu nhập khá với mức 100 triệu đồng trở lên từ phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh...
Chị Phạm Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã Hợp Lý cho biết: 6/6 chi hội phụ nữ xã đều duy trì nhiều hình thức hoạt động thiết thực, mang lại lợi ích cho hội viên, như: tổ, nhóm tiết kiệm, giúp nhau vốn sản xuất; tổ, nhóm thu gom rác thải vệ sinh môi trường; nhóm mẹ đỡ đầu; nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, có tính lan tỏa. Qua đó, hội đã tập hợp, thu hút gần 2.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội, đạt 89%. Chị em rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động, góp phần xây dựng xã NTM nâng cao.
“3 có, 3 biết” là những nội dung cần thiết và quan trọng trong hoạt động hội, phong trào phụ nữ ở chi hội. Bởi đây là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống hội gần hội viên, trực tiếp quản lý, bám, nắm hội viên để cùng với hội cấp trên thực hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên; xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ chi hội. Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, nhiệm kỳ 2022-2027” của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam và khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh, nhiệm kỳ 2021-2026” của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh với các chỉ tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, các cấp hội chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, phân cấp, phân quyền, thống nhất và đồng bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội theo hướng “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”. Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, tạo môi trường để phụ nữ phát triển, đóng góp cho cộng đồng, tham gia tổ chức hội.
Cụ thể hóa các nội dung “3 có, 3 biết” trong hoạt động ở các chi hội, hội LHPN các cấp đã xây dựng được nhiều chương trình, mô hình “dân vận khéo” đi vào cuộc sống, như: câu lạc bộ “Gia đình 5 có, 3 sạch”; “Dịch vụ gia đình”, “Vườn rau xanh - nhà sạch đẹp - bếp ngăn nắp - chuồng xa nhà”, “Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế”, “Tổ phụ nữ phát triển du lịch cộng đồng”, “Đường tranh bích họa”, “Đường hoa phụ nữ”; “Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; “mẹ đỡ đầu”... Qua đó tập hợp thu hút nhiều đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, nữ khuyết tật, nữ doanh nhân, nữ tiểu thương... tham gia sinh hoạt. Nổi bật nhất các nội dung “3 có, 3 biết” là Hội LHPN TP Thanh Hóa, Nông Cống, Bỉm Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn... Năm 2023, Hội LHPN tỉnh có 847.135 hội viên, tăng so với năm 2022 là 10.370 hội viên (vượt chỉ tiêu); 17/27 hội LHPN huyện, thị, thành phố kết nạp, công nhận gần 1.200 hội viên danh dự (nam giới), đóng góp và ủng hộ tích cực cho hoạt động hội; các cấp hội huy động trên 16 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội; đăng ký, thực hiện 1.260 phần việc/hoạt động XDNTM (vượt chỉ tiêu); hỗ trợ thêm 13.199 gia đình đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch” (vượt chỉ tiêu), giúp 2.820 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, trong đó có 529 phụ nữ dân tộc thiểu số (vượt chỉ tiêu đề ra)...
Những kết quả trên có một phần đóng góp của chi hội phụ nữ cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hội, xây dựng tổ chức hội phát triển vững mạnh.