Xây dựng tòa soạn văn hóa mang đặc sắc riêng Tạp chí GTVT: Số hóa để báo chí chuyển động cùng thời cuộc
Báo chí truyền thông đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các nhà quản lý, cơ quan báo chí phải thay đổi để thích ứng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, giờ đây không gian thông tin cung cấp cho bạn đọc vô cùng phong phú, đến từ nhiều nền tảng và phương thức. Để tiếp tục làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đổi mới của đất nước, ngoài việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tòa soạn thì vấn đề số hóa đang được đặt ra cấp bách đối với các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thách thức lớn từ nguồn thu quảng cáo
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022, từ năm 2016 đến nay, trên thế giới, nguồn thu từ quảng cáo báo in đã giảm đi một nửa sau 6 năm, trong khi 3 "ông lớn" công nghệ hàng đầu thế giới là Facebook, Alphabet và Amazon đã bỏ túi 400 tỷ USD/năm tiền quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng công nghệ.
Còn tại Việt Nam, nguồn thu của các cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc chủ yếu vào phát hành báo in và quảng cáo, tổ chức sự kiện truyền thông, trong khi doanh thu hàng năm đều cho thấy sự giảm sút. Mặt khác, chi phí sản suất, nhân công, giá giấy tăng cao, sự cạnh tranh khốc liệt với quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới... đã làm cho các cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo ngày càng bị mất vào tay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Hiện 80% quảng cáo trực tuyến đã rơi vào tay các nền tảng này, báo chí truyên thống chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí truyền thống chỉ còn 40%.
Một thực tế hiện nay là vẫn còn tồn tại "các trang tin điện tử" "ăn trên lưng" của báo chí chính thống. Những bài báo chất lượng vừa mới "ra lò" đã bị các công cụ quét của các trang thông tin điện tử "vô tư" lấy về, vô hình chung trang báo chính thống của bài báo sẽ mất đi lượng bạn đọc không nhỏ.
Một thách thức khác, đó là sự xuất hiện của ChatGPT đã tạo nên sức ép lớn với các cơ quan báo chí. Thậm chí, chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự kiện, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận.
ứng dụng AI làm nền tảng công nghệ báo chí hiện đại
Đứng trước yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chiến lược nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng...
Do đó, để báo chí chuyển đổi số đạt hiệu quả đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy quản lý, phương thức vận hành trên cơ sở nội dung tốt và công nghệ số hiện đại, kết hợp với nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin chính thống đến bạn đọc trên không gian mạng.
Mặt khác, các cơ quan chủ quản cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cho cơ quan báo chí phát triển triển để xây dựng tòa soạn hội tụ, tòa soạn số, tòa soạn đa phương tiện phù hợp với xu thế. Đặc biệt, cần đặt nền tảng công nghệ hiện đại ở trung tâm của chiến lược phát triển của mỗi tòa soạn để chinh phục, dẫn dắt độc giả trên môi trường mạng.
Sự xuất hiện của ChatGPT (trí tuệ nhân tạo - AI) đã làm thay đổi phương thức làm báo thời công nghệ số. Bởi vậy, mỗi cơ quan báo chí cần làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để dẫn dắt, định hướng người dùng trên không gian mạng và môi trường số, từ đó tăng lượng truy cập để đảm bảo nguồn thu từ quảng cáo... Đặc biệt, để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của mình, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách buộc các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Google, Facebook... phải tuân thủ pháp luật sở tại, nghiêm khắc xử lý những vi phạm từ những nền tảng này.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp tục đồng hành với các cơ quan báo chí để làm thế nào tìm ra con đường chuyển đổi số đúng, mô hình kinh doanh phù hợp, hướng tới bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên môi trường số.
Chuyển đổi số báo chí để phục vụ đa dạng bạn đọc
Tại Việt Nam, thời gian qua, không ít cơ quan báo chí, truyền thông có sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Đơn cử, Báo điện tử Vietnamplus (TTXVN), Báo Nhân dân, Tạp chí điện tử Ngày nay, Báo điện tư Vietnamnet, Zing... là những cơ quan báo chí tiên phong trong việc thu phí người đọc với các nội dung chuyên sâu.
Đối với Tạp chí GTVT, cùng với ấn phẩm in, tạp chí GTVT điện tử trở thành kênh truyền thông quan trọng, đầu ngành GTVT, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ GTVT và truyền tải những kiến thức khoa học công nghệ, trật tự ATGT tới bạn đọc trong và ngoài nước.
Hòa mình vào sự phát triển của hoạt động báo chí nói chung và tạp chí chuyên ngành nói riêng, Tạp chí GTVT đã xây dựng mục tiêu, chiến lược cho các giai đoạn phát triển, trong đó đổi mới toàn diện được xem là sợi chỉ xuyên suốt. Đặc biệt, năm 2022, Tạp chí đã triển khai Đề án chuyển đổi số tòa soạn "Đổi mới toàn diện Tạp chí GTVT giai đoạn 2020 - 2025" nhằm nâng cao chất lượng tạp chí điện tử, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, phục vụ sự nghiệp phát triển ngành GTVT.
Tạp chí GTVT điện tử đã ứng dụng công nghệ số hiện đại, đảm bảo các yêu cầu của tòa soạn hội tụ, đảm bảo an toàn thông tin, thao tác trên cả bản PC và bản mobile; đồng thời, tích hợp các format mới như eMagazine, tin trực tiếp, Infographic... với gần 40 định dạng/format trên CMS hỗ trợ công tác biên tập của phóng viên thuận lợi và nhanh gọn nhất..., kịp thời cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài Ngành những thông tin nóng hổi về ngành GTVT, tình hình trật tự ATGT theo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng "Tận cùng - Nhân văn - Chia sẻ".
Đối với mảng khoa học công nghệ, công bố công trình khoa học, tòa soạn cũng đang nghiên cứu, xây dựng phương thức để số hóa tập dữ liệu thông tin khoa học công nghệ trên không gian mạng để độc giả dễ dàng tiếp cận, sử dụng, đồng thời tạo sự lan tỏa giá trị tri thức của một tạp chí với bề dày 64 năm xây dựng và phát triển.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt mục tiêu có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% các cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.