Xây dựng trang trại đa cây, đa con
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế quỹ đất sẵn có, cùng với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương thuận lợi, vợ chồng anh Nguyễn Bắc - chị Phạm Thị Mai ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp rộng trên 2 ha khá bài bản. Với hình thức lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, trang trại của gia đình anh chị cho nguồn thu nhập cao và bền vững.
Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Bắc quyết định chuyển đổi 0,5 ha cây hồ tiêu lâu năm kém hiệu quả và đất trồng rau màu năng suất thấp sang trồng thí điểm 400 cây dâu tằm. Với địa bàn xã Tân Liên, dâu tằm là loại cây trồng mới, chưa có hộ gia đình nào trồng tập trung với diện tích lớn. Vì thế, trước khi xuống giống, anh Bắc dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng dâu tằm từ sách báo, internet và những mô hình hiệu quả ở các địa phương.
Nhờ hiểu biết về kỹ thuật ươm trồng và cách chăm sóc tương đối kỹ nên vườn dâu tằm của gia đình anh Bắc phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Một năm sau khi trồng thì cây dâu tằm bắt đầu cho thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, dâu tằm không đòi hỏi nhiều công chăm sóc cũng như phân bón, tỉ lệ đậu trái rất cao, quả đều. Bình quân mỗi vụ, vườn dâu tằm của gia đình anh Bắc cho năng suất trên 1 tấn quả tươi.
Đến mùa thu hoạch, vườn dâu tằm chín rộ, đỏ tươi rất đẹp. Gia đình anh Bắc không tự thu hoạch bán cho các thương lái mà mở cửa vườn để phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm và tự tay thu hái dâu tằm, với giá mua tại vườn dao động từ 40 - 45 nghìn đồng/kg. Vào mỗi mùa dâu chín các trường học trên địa bàn xã, huyện thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa tại khu vườn vợ chồng anh Bắc cho học sinh trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, tự tay thu hoạch dâu để hiểu hơn giá trị của lao động sản xuất.
Anh Bắc chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác thì dâu tằm ươm trồng và chăm sóc dễ hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm 4 sào cây này, đồng thời, trồng thêm hoa ban trắng và một số loại hoa phù hợp theo mùa để làm đẹp cảnh quan khu vườn, đón xu thế du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch đang bắt đầu hình thành ở huyện miền núi này”.
Với suy nghĩ này, ngay từ đầu vợ chồng anh Bắc không chỉ đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp thông thường mà hướng đến mục tiêu vừa sản xuất, vừa phục vụ khách tham quan trải nghiệm nông nghiệp sạch, tạo giá trị kinh tế “kép”. Vì vậy, vợ chồng anh đã quy hoạch trang trại khá bài bản, ngoài vườn dâu rộng 0,5 ha; hơn 1,5 ha được chia thành các khu vực để trồng cà phê chè catimor, cà phê mít và hồ tiêu.
Các loại cây ngắn ngày cũng được anh chị trồng xen canh nhằm lấy ngắn nuôi dài. Bao quanh vườn là cây chè xanh, vừa làm hàng rào, vừa chắn gió và tạo thêm nguồn thu. Ngoài ra, gia đình anh Bắc còn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ cần cù, chịu khó tìm hướng đi mới trong trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế gia đình anh Bắc ngày càng ổn định. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên Lê Quang Đãi cho biết: “Nhờ nắm bắt khoa học kỹ thuật và nhanh nhạy trong việc kết hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vợ chồng anh Bắc đã xây dựng trang trại đa dạng cây trồng, vật nuôi thành công. Đây là mô hình điểm để các hội viên nông dân học tập kinh nghiệm. Chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền, vận động hội viên đầu tư phát triển kinh tế theo hướng mô hình trang trại, gia trại để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương”.