Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng chất giáo dục

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh đạt 70%. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở giáo dục đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần sự vào cuộc quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Bài cuối
CHUNG SỨC XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn cục bộ nhất định do quá tải nhưng vào thời điểm hiện tại có thể cảm nhận diện mạo các trường trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đây là thành quả của sự quan tâm, chăm lo thế hệ tương lai của các cấp, ngành.

“Chạy đua” với quy định mới

Năm 2012, Trường THCS Tân Bình, TP. Đồng Xoài được công nhận đạt chuẩn quốc gia và năm 2018 được công nhận lại. Hiện THCS Tân Bình đang còn hiệu lực trường chuẩn, tuy nhiên theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, để đăng ký công nhận đạt chuẩn vào tháng 8-2023 thì trường còn vướng một số tiêu chí, tiêu chuẩn. Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng trường cho biết, trường có diện tích hơn 1,5 ha với đầy đủ sân chơi, bãi tập đảm bảo cho hơn 1.000 học sinh. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; chất lượng giáo dục luôn được khẳng định, nâng cao. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường được xây dựng từ năm 2004 với 20 phòng học lý thuyết, 12 phòng bộ môn nên đến nay không còn phù hợp với quy định mới do diện tích các phòng chật hẹp. Ngoài ra, chiếu với quy định mới, trường còn thiếu các phòng bộ môn, chức năng khác. Những khó khăn đó đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, có chủ trương đầu tư xây dựng mới trong năm học này để năm học tới đăng ký công nhận đạt chuẩn theo quy định.

Trường tiểu học Tân Thành, TP. Đồng Xoài công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2016

Trường tiểu học Tân Thành, TP. Đồng Xoài công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2016

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn ở TP. Đồng Xoài dù gặp khó khăn do vượt sĩ số nhưng được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm với tỷ lệ trường đạt chuẩn luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Ngoài số trường còn hiệu lực, phấn đấu đến cuối năm nay thành phố công nhận thêm 5 trường đạt chuẩn theo quy định mới (1 mầm non, 3 tiểu học, 1 THCS), nâng tổng số lên 25/31 trường trực thuộc đạt chuẩn, chiếm 80,06%.

Năm 2005, Trường tiểu học Đức Phong là một trong số ít trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của huyện Bù Đăng cũng như cả tỉnh. Để được công nhận đạt chuẩn quốc gia và giữ chuẩn, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì có sự hỗ trợ rất lớn của giáo viên và xã hội hóa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, qua 4 lần được công nhận đạt chuẩn, các công trình được đầu tư tôn tạo, tu bổ, chắp vá đã không còn phù hợp với quy định mới của Bộ GD&ĐT. Tin vui là trường đang và sẽ được huyện đầu tư mới đồng bộ như xây dựng 32 phòng học lý thuyết, 9 phòng học bộ môn, khu hiệu bộ… để đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT thời gian tới cũng như thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất là niềm vui lớn đối với nhà trường. Bởi trong thời gian tới, trường không còn phải lo lắng về cơ sở vật chất mà yên tâm dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục” - Hiệu trưởng trường Phan Thị Ngọc Ánh vui mừng bày tỏ.

Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, huyện Bù Đăng thỏa sức hoạt động, vui chơi trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, huyện Bù Đăng thỏa sức hoạt động, vui chơi trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

Bù Đăng hiện là địa phương có số trường học nhiều nhất tỉnh với 54 điểm chính và 80 điểm lẻ/30.000 học sinh. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, 5 năm trước, học sinh nơi đây phải học phòng tạm, mượn là chuyện thường nhật. Thế nhưng những năm gần đây, huyện dành phần lớn ngân sách đầu tư cho giáo dục, xây dựng nhiều trường học khang trang, bề thế theo hướng chuẩn. Hiện toàn huyện có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 3 trường được công nhận mới. Đến cuối năm nay, huyện phấn đấu công nhận thêm 9 trường và phấn đấu đến cuối năm 2025 có 40/54 trường được công nhận đạt chuẩn, chiếm 74%.

Chưa bao giờ huyện đầu tư cho giáo dục lớn như thời điểm này. Ngoài ngân sách của tỉnh, kinh phí đầu tư cho giáo dục từ năm 2021 chuyển qua và năm 2022 lên đến 166 tỷ đồng. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo huyện trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như nghị quyết xây dựng trường đạt chuẩn.

Ông NGUYỄN TIẾN THÔNG, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bù Đăng

Thành quả từ trường đạt chuẩn

Là ngôi trường vùng sâu, xa nhưng mới đây Tiểu học Đa Kia A, huyện Bù Gia Mập được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT. Để đạt chuẩn, trường được đầu tư xây dựng thêm khối hiệu bộ, phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, hồ bơi, khuôn viên sân trường, cổng, hàng rào, nhà xe, nhà vệ sinh, nhà ăn bán trú và mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Cô Thái Thị Kim Huệ, Hiệu trưởng trường phấn khởi khẳng định, được đầu tư đạt chuẩn theo quy định mới nên công tác dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Có đủ đồ dùng, phương tiện nên giáo viên lên lớp rất đơn giản, nhẹ nhàng. Trong khi đó, học sinh tích cực, năng động, sáng tạo, kết quả học tập được nâng cao hơn nhiều so với năm học trước. Ngoài ra, việc tổ chức các hội thi, cuộc thi của giáo viên, học sinh thực hiện thuận lợi và có chiều sâu hơn.

Trường THCS Tiến Thành, TP. Đồng Xoài công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2021

Trường THCS Tiến Thành, TP. Đồng Xoài công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2021

Đứng chân trên địa bàn trọng điểm công nghiệp, học sinh tăng cơ học nhanh nhưng may mắn đối với Trường THCS Tiến Thành, TP. Đồng Xoài là được bố trí khu đất rộng gần 2 ha để xây dựng đầy đủ các công trình, hạng mục. Đặc biệt, THCS Tiến Thành là một trong số rất ít trường trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng nhà tập đa năng và hồ bơi khang trang, hiện đại, tạo điều kiện cho học sinh học tập, trải nghiệm theo mọi nhu cầu, sở thích. Cùng với các điều kiện, tiêu chuẩn khác, năm 2021, THCS Tiến Thành được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ 2 và công nhận đạt chuẩn theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT.

“Đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới của Bộ GD&ĐT với các tiêu chuẩn, tiêu chí được nâng cao hơn trước rất nhiều. Đây là điều kiện để trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thuận lợi hơn. Không dừng lại ở đó, trường còn được ghi vốn xây dựng trường học thông minh vào năm 2024” - thầy Phạm Anh Quang, Hiệu trưởng trường bày tỏ.

Cần ưu tiên mọi nguồn lực

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 105/388 trường còn hiệu lực công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 27,06%. Trong đó, 61 trường được công nhận đạt chuẩn mới theo các thông tư số 17, 18, 19/2018/TT-BGDĐT. 37 trường từng được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã hết hạn công nhận nhưng chưa đăng ký lại do chưa đủ điều kiện theo quy định mới, trong đó có 5 trường gặp khó khăn về sĩ số.

Chiếu theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, hiện nay không còn khái niệm “công nhận lại” mà kiểm tra, đánh giá các điều kiện để công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngoài các trường đã được công nhận, toàn tỉnh có 14 trường (mầm non 3, tiểu học 6, THCS 3, THPT 2) đã đăng ký đánh giá ngoài để được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 thời gian tới. Hiện Sở GD&ĐT đã có quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài và đang thực hiện các bước theo quy định.

Trường tiểu học Nha Bích, thị xã Chơn Thành được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại hướng đến đạt chuẩn

Trường tiểu học Nha Bích, thị xã Chơn Thành được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại hướng đến đạt chuẩn

Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 có 70% số trường đạt chuẩn quốc gia, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lộ trình đăng ký trường đạt chuẩn theo phân kỳ hằng năm. Năm 2021: 132/388 (34%); năm 2022: 175/388 (45,1%); năm 2023: 206/388 (53%); năm 2024: 244/388 (62,8%); năm 2025: 279/388 (71,9%).

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, hiện nay công tác xây dựng trường chuẩn theo quy định mới vướng chủ yếu ở 2 tiêu chuẩn chính là đội ngũ giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các huyện, thị xã, thành phố đề nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung thêm ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường. Đồng thời bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu so với thực tế; xem xét phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp với yêu cầu dạy học và số lượng học sinh tăng hằng năm.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết xây dựng trường đạt chuẩn theo lộ trình đề ra, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh cần bổ sung 1.598 giáo viên, 708 nhân viên, 5.452 phòng học, phòng chức năng và 1.227 hạng mục khác. Ngoài ra, toàn tỉnh có 47 trường diện tích khuôn viên chưa đảm bảo, 110 trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo số liệu cuối năm 2021).

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/139327/xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-de-nang-chat-giao-duc