Xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với kiểm định chất lượng giáo dục
Là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh, huyện Đơn Dương đang triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục để xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn mới.
Những năm qua, giáo dục huyện Đơn Dương không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, cơ sở vật chất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đầu tư đồng bộ cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 39/54 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,3% (cao hơn bình quân chung của tỉnh), trong đó, có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đơn Dương cho hay, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn mới là nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác giáo dục và cũng là nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đối với huyện Đơn Dương.
Trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn mới, bắt đầu từ năm 2019, việc thực hiện được gắn với công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, trung học và mầm non, với những tiêu chuẩn cao hơn theo quy định mới.
Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định trường học đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường để cơ quan quản lý đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học cũng nhằm khuyến khích sự đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Đây cũng là khó khăn, thách thức đối với giáo dục Đơn Dương nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung. Do đó, trong các tiêu chuẩn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; ngành Giáo dục Đơn Dương chú trọng đến tiêu chuẩn “Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học”. Bởi theo người đứng đầu ngành Giáo dục Đơn Dương: “Tiêu chuẩn này không thể chỉ ngành Giáo dục mới thực hiện được mà đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, ban ngành từ huyện đến các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, để cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, việc phát huy tốt nội lực cùng với tranh thủ sự góp sức của mọi lực lượng bên ngoài trong quá trình huy động các nguồn lực có vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục. Trong đó, quan trọng nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để mọi người thấy được sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Tất cả các việc làm phải huy động được mọi người dân, mọi lực lượng, các tổ chức, đoàn thể trong xã hội cùng tham gia. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, ngoài mục đích góp phần bổ sung về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, còn là sự phối hợp trong quá trình giáo dục toàn diện học sinh. Đặc biệt, phải xuất phát từ thực tiễn của địa phương, để có kế hoạch, lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, có tính khả thi và đem lại hiệu quả cao nhất”.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn mới, Đơn Dương hướng đến mục tiêu kép: Kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Việc tạo nên diện mạo trường học khang trang, hiện đại, thân thiện, xây dựng môi trường sư phạm năng động, hiệu quả là điều kiện tiên quyết, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp cho mỗi đơn vị tự đánh giá đạt ở mức nào, cấp độ nào... Trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch cải tiến chất lượng hàng năm một cách hiệu quả.