Xây dựng trường học an toàn không có ma túy
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc nhân rộng mô hình 'Nhà trường an toàn không có ma túy' trên địa bàn tỉnh, nhận thức về trách nhiệm của cấp ủy, hội đồng giáo dục, ban giám hiệu các nhà trường cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống ma túy (PCMT) học đường được nâng cao.
Việc nhân rộng mô hình được triển khai với nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp đặc điểm, tình hình các nhà trường, cấp học. Số lượng đơn vị mô hình "Nhà trường an toàn không có ma túy" tiếp tục tăng, chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình chuyển biến tích cực.
Tại trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Cao Phong vừa ra mắt mô hình "Nhà trường an toàn không có ma túy” nhận được sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh. Theo Hiệu trưởng nhà trường Trần Quang Tuấn, Luật PCMT năm 2021 quy định cụ thể trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong PCMT: Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về PCMT; giáo dục pháp luật về PCMT và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên (HSSV), học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn HSSV, học viên tham gia tệ nạn ma túy. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục HSSV, học viên về PCMT. Phối hợp cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện HSSV, học viên nghiện ma túy. Chính vì vậy, không riêng trường học mà toàn xã hội cần chung tay bảo vệ thế hệ thanh thiếu niên, HSSV khỏi vòng vây của tội phạm và tệ nạn ma túy, đó cũng chính là bảo vệ tương lai của đất nước.
Theo Sở GD&ĐT, trong hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho HSSV, sở thường xuyên chỉ đạo các nhà trường phối hợp các ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, HSSV, học viên về hiểm họa của ma túy đối với con người và xã hội. Quán triệt phương châm chỉ đạo lấy tuyên truyền rộng khắp trong trường học để phòng ngừa là chính; lấy tuyên truyền, giáo dục, chủ động phòng ngừa, cảm hóa đối tượng là giải pháp căn bản; kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục PCMT với nội dung giáo dục phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và tai, tệ nạn xã hội.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả các hoạt động nhân Tháng hành động PCMT và Ngày toàn dân PCMT hàng năm. Xây dựng nội dung, đổi mới biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tai, tệ nạn xã hội cho HSSV nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa, trách nhiệm của tổ chức đoàn thể và HSSV đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học và cộng đồng.
Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh duy trì kiểm tra, giám sát trong và ngoài trường học, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc có liên quan đến tệ nạn xã hội với phương châm "Lấy giáo dục làm cơ bản, biện pháp là cần thiết, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội làm cơ sở phối hợp giáo dục phòng ngừa”.
Các đơn vị, trường học tiếp tục duy trì hoạt động đội thanh niên xung kích tình nguyện phòng, chống tệ nạn xã hội. Phối hợp tổ chức cho cán bộ, giáo viên, HSSV, học viên của đơn vị ký cam kết không trồng cây có chất ma túy, không tiếp tay, không tàng trữ, buôn bán, sử dụng ma túy. Phát động phong trào tố giác, vận động tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép trong HSSV; từng trường tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin có liên quan đến công tác PCMT của nhà trường. Đồng thời, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về chủ đề phòng, chống tai, tệ nạn xã hội trong trường học; tiếp tục phát triển mô hình giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học với phương châm kết hợp chặt chẽ gia đình - nhà trường - xã hội, trong đó lực lượng công an là nòng cốt, gia đình là quan trọng.
Các trường học cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HSSV; kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với HSSV nhằm rà soát, phát hiện kịp thời HSSV sử dụng các chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác.