Xây dựng từng 'tế bào' lành mạnh của xã hội
Gia đình là hạt nhân, tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc. Nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, địa phương đã cụ thể hóa, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển gia đình, chăm lo, vun đắp xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Từ đó góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.
Your browser does not support the audio element.
Những giá trị gia đình hạnh phúc, chia sẻ yêu thương đang lan tỏa ở khắp xóm phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Đại, tổ 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) có 3 thế hệ, gồm ông bà, cha mẹ và các cháu cùng chung sống. Vợ chồng anh Đại là lao động tự do, nguồn sống chỉ trông vào gánh hàng xôi mỗi sáng, chiều và còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng lại đầy ắp tiếng cười vui, hạnh phúc. Gia đình luôn chấp hành các nội quy, quy chế của khu dân cư, xóm phố. Gia đình có dưới, có trên, cha mẹ kính nhường ông bà, con cháu thảo hiền. Ông bà, vợ chồng cùng thức khuya dậy sớm, con cháu nghe lời, ngoài việc học, thời gian rảnh là giúp bố mẹ, ông bà nhặt đỗ, lạc, rửa lá gói xôi. Chẳng khi nào thấy vợ chồng anh Đại to tiếng. Cả tổ dân phố 16 có hơn 100 gia đình, mỗi gia đình một hoàn cảnh, người làm công chức, người lao động tự do, song đều cùng chăm lo vun vén cho gia đình, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Hay câu chuyện của gia đình trẻ Nguyễn Văn Đoàn (Công an tỉnh) và Hà Thảo Ngân (Giáo viên trường Mầm non Hữu Nghị) vừa được tôn vinh tại Lễ tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Điều phi thường của yêu thương". Hai vợ chồng trẻ, cùng 2 con thơ, mỗi người một công việc, nhưng đã vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười. Mỗi gia đình là một câu chuyện nhỏ nhưng để có hạnh phúc đều là sự thông cảm, sẻ chia...
Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 436-CTr/TU, ngày 30/6/2005, của Tỉnh ủy Hòa Bình thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ CNH - HĐH đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 29/3/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình hạnh phúc, bình đẳng, ấm no được quan tâm thực hiện, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh tham gia tiêu biểu như: Hội thi Văn hóa - Thể thao gia đình tỉnh; các buổi nói chuyện chuyên đề về Xây dựng gia đình hạnh phúc thời kỳ CNH-HĐH đất nước với chủ đề "Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”, "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và cách ứng xử trong gia đình”, phát động "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; phối hợp tổ chức Hội thi "Gia đình hạnh phúc” tỉnh Hòa Bình gắn với chủ đề "Xây dựng nhân cách Người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”... Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa” toàn tỉnh đạt 83,6%.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ảnh hưởng tới từng gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện. Chính vì vậy, việc chăm lo thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển gia đình Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới. Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Theo đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của gia đình trong giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội… Nhiều mục tiêu được đưa ra như: Phấn đấu 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. Phấn đấu 100% gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại…
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các giải pháp đồng bộ được triển khai, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong sự phát triển chung của xã hội. Chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và với giá trị gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” chú trọng xây dựng "Gia đình văn hóa” với các mô hình gia đình tiêu biểu như "Gia đình mẫu mực”, "Gia đình văn hóa tiêu biểu”, "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, "Gia đình làm kinh tế giỏi”, "Gia đình hiếu học” phù hợp, hiệu quả...
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/161776/xay-dung-tung-te-bao-lanh-manh-cua-xa-hoi.htm