Xây dựng tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng

Hôm nay, ngày 1/7, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cũng là 10 năm ngày khánh thành Tượng đài Tổng Bí thư, được sự gợi ý của Báo Hưng Yên, xin được ôn lại một số kỷ niệm năm tháng xây dựng Tượng đài mà tôi may mắn và vinh dự là thành viên được góp phần nhỏ. Năm 2008, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015), đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên, Ban Bí thư đã cho chủ trương xây dựng Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại thành phố Hưng Yên.Xác định đây là công trình văn hóa, chính trị trọng điểm của tỉnh, là công trình đặc thù, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Anh em chúng tôi và ngành Văn hóa (Chủ đầu tư) được giao nhiệm vụ luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tranh thủ ý kiến của gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh để tham mưu chủ trương và chỉ đạo thực hiện.

Thời gian thực hiện dự án khá dài. Có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị 2009 - 2012. Giai đoạn thi công 2012 - 2015, ngày khởi công 18/5/2012 và khánh thành 27/4/2015. Có những vấn đề phải bàn thảo, trình duyệt khá nhiều như: Mẫu tượng chọn hình ảnh Tổng Bí thư trong tư thế nào? Chất liệu gì, dùng đá hay đồng? Vị trí dựng tượng ở chỗ nào? Nhóm tư vấn kỹ thuật, mỹ thuật mời ở đâu, các chuyên gia nào… từng vấn đề đều được bàn thảo kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, trên cơ sở các quy định hiện hành.

Về mẫu tượng, trong thời gian hơn 1 năm, tỉnh đã tổ chức cuộc thi chọn mẫu, với 2 vòng sơ khảo và chung khảo. Các họa sĩ, các nhóm điêu khắc khắp trong Nam ngoài Bắc gửi về 27 mẫu thiết kế với các phác thảo chất lượng và được trưng bày lấy ý kiến nhân dân trong thời gian dài. Theo quy trình bỏ phiếu kín, Hội đồng đã quyết định chọn mẫu của nhóm điêu khắc Phạm Xuân Sinh - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và họa sĩ Đào Ngọc Hân để trình cấp có thẩm quyền. Bức tượng gợi nhớ hình ảnh Tổng Bí thư về thăm quê hương Hưng Yên và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân Hưng Yên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Bức tượng ở tư thế đứng, toát lên vẻ đẹp giản dị, gần gũi nhưng kiên định và giàu chất trí tuệ. Đặc biệt hai cánh tay, một tay khẽ nhắc, linh hoạt kiên quyết; một tay xuôi thoải mái, bàn tay nắm nhẹ. Khuôn mặt nhìn thẳng, bình tĩnh nhưng chứa nhiều suy tư… được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.

Về vị trí dựng tượng, tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, nơi trang trọng và thoáng tầm nhìn nhất. Chúng tôi đã tham mưu phương án chọn vị trí của nhà triển lãm, (thời kỳ đó vị trí và mô hình kiến trúc của nhà triển lãm chưa phù hợp). Tỉnh đã quyết định phá dỡ nhà triển lãm, dành không gian để dựng tượng, tạo ra không gian thông thoáng cho quảng trường, đặc biệt thế phong thủy nhìn hướng chính Nam, xa xa là dòng sông Hồng, hướng về phía Nam, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hoạt động cách mạng, bên trái là đường lớn vào khu trung tâm. Xây dựng phía sau 3 gò đất cao (Tam sơn), trồng các loại cây của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phía trước là đài phun nước tạo thêm cảnh quan hài hòa, môi trường thoáng đẹp cho các hoạt động chính trị, lễ hội và vui chơi của Nhân dân.

Về chất liệu, trên cơ sở mẫu tượng được duyệt, lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã rất cân nhắc bàn với gia đình Tổng Bí thư, tranh thủ ý kiến của Trung ương chọn trong 2 chất liệu đồng hoặc đá xanh Thanh Hóa. Lý do được đưa ra để duyệt là trình độ kỹ thuật nấu đúc đồng hoặc dùng đồng lá của ta thời điểm đó chưa yên tâm, thực tế đã có công trình tượng đài bị xuống cấp. Cho nên để đảm bảo an toàn và đẹp, cũng là để hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gần gũi với Nhân dân thì phương án đá xanh là phù hợp. Đá xanh Thanh Hóa là loại đá có độ bền và độ cứng rất cao, có vẻ đẹp tự nhiên, có khả năng chịu lực và thời tiết tốt. Chúng tôi đã nhiều lần đến làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, được các đồng chí rất ủng hộ, khai thác tại mỏ đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Khâu chỉ đạo thi công, chúng ta đã tranh thủ được những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và đơn vị thi công có uy tín, tuân thủ nghiêm quy trình qua các bước:

- Dựng mẫu tỉ lệ 1/1 bằng chất liệu

- Trung ương và tỉnh duyệt mẫu tượng thạch cao tỉ lệ 1/1.

- Đồng thời, dựng tượng mẫu tỉ lệ 1/1 tại vị trí quảng trường để xin ý kiến Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

- Chuyển mẫu thạch cao tỉ lệ 1/1 về Ninh Bình thi công.

Rất may mắn, khi khai thác, ta có được những phiến đá mịn, ít gân, ít đường rạn, màu đẹp. Các nhà điêu khắc có thể nói rất khẩn trương và tâm huyết, hoàn thành đúng thời hạn. Khi dựng về vị trí, nhìn tượng Tổng Bí thư rất đẹp, có hồn, toát lên vẻ đẹp dung dị, kiên định, trí tuệ của Tổng Bí thư. Gia đình Tổng Bí thư rất đồng tình, Nhân dân vui mừng phấn khởi, ai cũng thấy tự hào. Tượng đá xanh, trên nền đá granit được dựng trên khuôn viên rộng 2 ha tại quảng trường mang tên Nguyễn Văn Linh có chiều cao 8,1 m, bệ cao 4,5 m, bên trái là đường Nguyễn Văn Linh rộng lớn dẫn vào miền văn hiến Phố Hiến xưa, Hưng Yên nay.

Ngày khánh thành Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là ngày hội của thành phố Hưng Yên. Đêm ngày 26/4/2015, trực tiếp đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự lễ tâm linh và Lễ khánh thành Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào sáng ngày 27/4/2015. Tại Lễ khánh thành, đồng chí Chủ tịch nước phát biểu: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và mong muốn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hưng Yên sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi theo tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Trong cuộc đời công tác, với tôi đây là những kỷ niệm không bao giờ quên, là niềm vinh dự, tự hào. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cẩn trọng và lòng yêu kính Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Có lẽ vì tình cảm và trách nhiệm, trên địa bàn tỉnh ít có một công trình nào mà có sự vào cuộc của nhiều nhà lãnh đạo, thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia, các cấp, các ngành như công trình xây dựng Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Là những người được phân công trực tiếp thực hiện, chúng tôi luôn được sự chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các bộ, ngành và sự tận tâm của các chuyên gia hàng đầu để Hưng Yên chúng ta có được một công trình mang ý nghĩa to lớn; đồng thời giáo dục các thế hệ niềm tự hào với quê hương, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để học tập, công tác, xứng đáng là những công dân quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Nguyễn Khắc Hào Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xay-dung-tuong-dai-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-tren-que-huong-hung-yen-van-hien-va-cach-mang-3182202.html