Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới
Nằm trong hoàn cảnh chung của cả nước, sau khi giành được chính quyền, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cũng phải đương đầu với tình trạng thù trong giặc ngoài. Ngày 25-8-1945, Quân đoàn 52 của Trung Hoa Quốc dân Đảng do tướng Triệu Quang Vũ cầm đầu, từ Hà Giang kéo xuống chiếm đóng thị xã Tuyên Quang và rải quân bố trí các vùng xung quanh, án ngữ các đường ra vào thị xã.
Lấy danh nghĩa đồng minh, ngay sau khi đến Tuyên Quang, quân Tưởng đã đưa ra một số yêu sách; đòi chính quyền ta phải cung cấp lương thực, thực phẩm; cưỡng bức đồng bào nộp tiền để lấy thẻ “Hoa kiều”; ép nhân dân ta phải tiêu tiền Quan kim1 mất giá, làm hỗn loạn giá cả thị trường. Chúng đem quân lùng sục, bắt cóc và bắn giết cán bộ; phá hoại, cướp bóc tài sản của nhân dân.
Nghiêm trọng hơn, trong lúc chính quyền ta đang đàm phán với đại diện quân Tưởng về vấn đề lương thực, thực phẩm thì chúng đã ngang nhiên bắt giam đồng chí Nguyễn Công Thành, Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh. Chúng còn lập ra các tổ chức phản động, âm mưu chống phá cách mạng lâu dài. Hành động ngang ngược của quân Tưởng đã gây cho ta nhiều khó khăn trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Lợi dụng tình trạng khó khăn chung của đất nước và của địa phương, bọn phản động Quốc dân Đảng, thổ phỉ các địa phương dựa vào quân Tưởng Giới Thạch đã ngóc đầu dậy hoạt động, tổ chức chống phá cách mạng và khống chế nhân dân. Ở huyện lỵ Chiêm Hóa, một nhóm phản động có vũ trang tập trung tại nhà Kiểm lâm, khi nghe tin quân Tưởng vào Tuyên Quang, chúng đã cưỡng bức đồng bào góp gạo, tiền để cung cấp cho quân Tưởng. Chúng ngấm ngầm xếp đặt các chức vụ, để sẵn sàng thay thế chính quyền cách mạng khi thời cơ tới.
Tại Nà Hang, lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng do Hoàng Quốc Chính cầm đầu, từ Hà Giang lén lút về móc nối với bọn phản động địa phương gây cơ sở cướp bóc tại các xã Thượng Nông, Thượng Giáp... Tại Lục Yên châu (Yên Bái) giáp huyện Yên Bình (Tuyên Quang), bọn thổ phỉ do tên Quản Lộc cầm đầu, lợi dụng tình hình đang phức tạp cũng nổi dậy hoành hành dữ dội.
Vừa móc nối với bọn thổ phỉ và phản động, quân Tưởng vừa sử dụng một số tên đặc vụ cài cắm vào dân chúng người Hoa đang cư trú trên địa bàn tỉnh, nhằm gây cơ sở và nắm tình hình ta. Ở hai huyện Nà Hang và Chiêm Hóa, chúng đã lập ra tổ chức “Nam Dương Hoa kiều hiệp hội” nhằm tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, lừa bịp quần chúng, chia rẽ mối đoàn kết giữa các dân tộc, gây rối trật tự trị an.
Bấy giờ, đời sống nhân dân các dân tộc Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính quyền nhân dân và các tổ chức quần chúng mới thành lập, có nơi đang trong quá trình thành lập nên còn non yếu. Số lượng đảng viên trong Đảng bộ quá ít. Tính đến năm 1946, toàn Đảng bộ mới có mấy chục đảng viên, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn còn nhiều bỡ ngỡ. Lực lượng vũ trang địa phương tuy đã được thành lập, song quân số ít, trang bị thiếu, vũ khí thô sơ, huấn luyện quân sự sơ sài, đơn giản, trình độ tổ chức, chỉ huy còn hạn chế, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều. Tình hình đó đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang những khó khăn nghiêm trọng. Những thành quả của Cách mạng Tháng Tám đang thực sự bị đe dọa.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chính quyền cách mạng các cấp, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang bình tĩnh, cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phá tan âm mưu đen tối của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Thái độ vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo của chính quyền cách mạng và tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân đã buộc quân Tưởng phải trả tự do cho đồng chí Nguyễn Công Thành và xử bắn những tên đã gây tội ác giết hại đồng bào ta, bồi thường tài sản cho nhân dân. Không thực hiện được ý đồ, ngày 29-8-1945, quân Tưởng và bọn phản động Quốc dân Đảng rút khỏi Tuyên Quang. Các tổ chức phản động và nhóm thổ phỉ bị phá tan ngay từ trong trứng nước.
Tháng 9-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Tạ Xuân Thu, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tổ chức tại Nhà Đỏ, xã Nông Tiến, đã đề ra những nội dung cơ bản về xây dựng Đảng, củng cố chính quyền nhân dân các cấp, thành lập tiểu đoàn tự vệ địa phương...
Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị Kháng chiến kiến quốc.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Tuyên Quang đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, chống nạn đói, nạn dốt, cảnh giác trước những âm mưu của kẻ thù. Bộ máy chính quyền các cấp dần dần được củng cố, kiện toàn. Riêng ở thị xã Tuyên Quang, để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, ủy ban hành chính tỉnh và tỉnh bộ Việt Minh vẫn sử dụng một số người thuộc chế độ cũ để họ tiếp tục điều hành công việc hành chính tại các khu phố, dưới sự giám sát của ủy ban hành chính tỉnh.
Để tăng cường lãnh đạo của Đảng, thông qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, nhiều quần chúng ưu tú được giới thiệu, kết nạp vào Đảng. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống tổ chức đảng nhanh chóng được phát triển đến cấp huyện. Trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù, để bảo vệ cán bộ lãnh đạo, thực hiện chủ trương của trên, Đảng bộ Tuyên Quang phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa là “Cứu quốc hội”. Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, “Nhóm học hỏi” để mở rộng việc học tập chính trị, lý luận, văn hóa trong Đảng và nhân dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ địa phương được theo học các lớp huấn luyện ngắn hạn do Khu ủy và Xứ ủy mở.
Chủ trương mở rộng mặt trận đoàn kết của Trung ương đã được Tuyên Quang thực hiện có kết quả. Những người trước đây nằm trong chính quyền cũ song có đầu óc dân tộc, yêu nước được mời ra tham gia các tổ chức cứu quốc, ủy ban hành chính các cấp đã góp phần cô lập kẻ thù, tăng cường khối đoàn kết dân tộc.
Để tạo thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chung, tỉnh kịp thời điều chỉnh lại địa giới hành chính của các châu, phủ: Tự do, Kháng Địch, Hồng Thái, Khánh Thiện, Xuân Trường, Toàn Thắng, Quyết Thắng. Giữa năm 1946, công cuộc này hoàn tất, toàn tỉnh có 5 huyện và một thị xã. Thông qua các cuộc bầu cử, chính quyền nhân dân các cấp được tổ chức lại.
Ngày 6-1-1946, cùng cả nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hăng hái tham gia cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Giữa lúc thù trong, giặc ngoài đang cấu kết, tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng, cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức có ý nghĩa vô cùng to lớn. Để đảm bảo thắng lợi của cuộc bầu cử, nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh đã đến tận các làng bản vận động, tổ chức bà con đi bỏ phiếu. Đại diện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Tạ Xuân Thu (Bí thư Tỉnh ủy) và ông Ma Văn Kinh đã được bầu vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Được các cấp, các ngành quan tâm, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, lực lượng vũ trang địa phương từng bước được xây dựng. Đến đầu năm 1946, toàn tỉnh đã có 3 chi đội vệ quốc quân, 1 đại đội cảnh vệ; mỗi huyện có 1 trung đội du kích tập trung; mỗi xã có 1 trung đội du kích bán thoát ly. Riêng thị xã Tuyên Quang có 1 đại đội tự vệ. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Hưởng ứng lời kêu gọi chống giặc đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tuyên Quang mở cuộc vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất. Việc trồng rau, màu ngắn ngày, kịp thời ngăn chặn nạn đói đã được các ngành, các cấp và nhân dân các địa phương coi là nhiệm vụ cấp bách hơn hết cần thực hiện ngay. Phong trào còn lôi cuốn được các thành phần phi nông nghiệp như công nhân, viên chức, học sinh tham gia.., với khẩu hiệu: “Tấc đất tấc vàng”; không ngại khó khăn gian khổ, nhân dân ra sức vỡ hoang trồng màu, biến gò, đồi thành những nương ngô, khoai, sắn.
Cùng với vận động sản xuất, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc tổ chức mở các kho thóc của địch chia cho dân nghèo, đồng thời động viên quyên góp, lập “hũ gạo cứu đói”, gây quỹ “những ngày đồng tâm”... để động viên tình yêu thương, đùm bọc trong nhân dân. Mọi người đã tự nguyện nhịn bữa, bớt ăn, san sẻ lương thực cho nhau theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt, ở một số vùng thuộc huyện Sơn Dương, nhân dân có sáng kiến làm những “rẫy nương cách mạng”, gây dựng nhiều “đàn gà yêu nước”, vận động mỗi nhà luôn dành một dậu gạo (khoảng 15 kg) dự trữ vừa để cứu đói, vừa sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Chính quyền ban bố lệnh nghiêm cấm dùng gạo nấu rượu, nghiêm trị bọn đầu cơ tích trữ lương thực... Nhờ đó, nạn đói được đẩy lùi, sản xuất nông nghiệp dần dần được khôi phục, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.
Bấy giờ, nạn dốt - mù chữ trở thành một thứ giặc nguy hiểm, được Đảng bộ và chính quyền Tuyên Quang rất quan tâm giải quyết. Trong một thời gian ngắn, các lớp “bình dân học vụ” đã lôi cuốn mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi; các lớp học phổ thông bắt đầu được xây dựng. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy những người chưa biết chữ... Những người chưa biết hãy gắng sức mà học cho biết”, được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng.
Nhằm góp phần giúp Chính phủ giải quyết khó khăn về tài chính, hưởng ứng phong trào “tuần lễ vàng” phát động trong cả nước từ ngày 17-9 đến ngày 249-1945, nhân dân Tuyên Quang đã quyên góp và ủng hộ Chính phủ 130 lạng vàng và 7.500 lạng bạc. Ngoài ra, còn tích cực mua “Công phiếu kháng chiến”, “Công trái quốc gia” và đóng góp vào “Quỹ độc lập” do Nhà nước ban hành.
Bằng những nỗ lực phi thường, từ đầu năm 1946 trở đi, tình hình chung của tỉnh Tuyên Quang có chuyển biến khả quan: chính quyền cách mạng được giữ vững và củng cố thêm mọi mặt; nạn đói, nạn dốt bị đẩy lùi một bước quan trọng; bọn phản động bị trấn áp; sản xuất nông nghiệp được khôi phục và có mặt phát triển hơn trước. Kết quả bước đầu của cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, chống giặc đói, giặc dốt có ý nghĩa rất lớn.
(Còn nữa)
Theo Địa chí Tuyên Quang
-----------
100 đồng Quan kim chỉ ngang giá 35 đồng Đông Dương, nhưng chúng bắt nhân dân ta phải tiêu ngang giá một ăn một.