Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới: Phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam, đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; giúp các chính sách, pháp luật 'thấm sâu' vào đời sống.
Pháp luật ngày càng thể hiện vị trí quan trọng trong đời sống
Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền được Đảng ta khẳng định từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994. Sau đó, Hội nghị Trung ương 8 của khóa VII năm 1995 đã trình bày đầy đủ quan điểm về Nhà nước pháp quyền. Cho đến nay, chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Thành tựu đầu tiên là đã hình thành được những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Đặc trưng đầu tiên là tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; khẳng định bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đặc trưng thứ hai là quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc trưng thứ ba là tất cả những thành viên trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật và pháp luật chi phối mọi quan hệ của đời sống xã hội, của đất nước. Đặc trưng thứ tư là tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh, nghiêm túc. Tất cả mọi người đều phải nhận thức, sống và hành động theo Hiến pháp và Pháp luật. Đặc trưng thứ năm là sự tuân thủ của Nhà nước đối với luật pháp quốc tế. Một đặc trưng quan trọng là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Thành tựu thứ hai trong xây dựng Nhà nước pháp quyền theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống pháp luật của ta ngày càng được quan tâm, xây dựng và phát triển hoàn chỉnh. Trên thực tế, Nhà nước đã thật sự quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật ngày càng đi vào đời sống xã hội, đời sống kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, đối ngoại…
Thành tựu thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn để bảo đảm sự thống nhất quyền lực. Điển hình, trong việc xây dựng pháp luật có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm sự thống nhất về quyền lực, giúp Quốc hội (QH) ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn. Đây là vấn đề cần được nhấn mạnh để làm nổi bật sự phát triển cả lý luận và thực tiễn của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Với thế mạnh của Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc mong muốn trong thời gian tới, Báo có những chuyên trang, chuyên mục để góp phần xử lý mối quan hệ giữa thực thi pháp luật và giáo dục đạo đức.
“Nhà nước pháp quyền của ta vừa quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật nhưng cũng quản lý đất nước, xã hội bằng những chuẩn mực đạo đức. Phải làm sao để phối hợp, kết hợp giữa “pháp trị” và “đức trị” cho tốt. Pháp luật nếu có đạo đức sẽ “mềm hóa” đi và sẽ đi vào đời sống xã hội tốt hơn. Ngược lại, đạo đức tuân thủ những chuẩn mực pháp luật thì đạo đức ấy sẽ có tính hiện thực. Tôi cho rằng, Báo Pháp luật Việt Nam cũng nên có mục giải thích những thuật ngữ pháp luật để những người ít học nhất cũng có thể hiểu được, nắm được và thực hiện pháp luật”, ông Nguyễn Trọng Phúc nói.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, khi nói về những thành tựu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì không nên chỉ dừng lại ở bộ máy, tổ chức mà quan trọng là phải nhấn mạnh đến hiệu lực, hiệu quả quản lý và mối quan hệ của Nhà nước với dân, với đất nước, xã hội. Trong đó, theo ông Nguyễn Trọng Phúc, có 3 mảng công việc cần chú ý là hoàn thiện pháp luật; cải cách hành chính để bảo đảm sự hài lòng của nhân dân, của doanh nghiệp và cải cách tư pháp để bảo đảm việc xét xử công khai, công minh và đúng đắn, đề cao công lý. Thực tế, tất cả những mảng đó đều được nhân dân hưởng ứng, ủng hộ và tác động trực tiếp tới đời sống của người dân, tới sự vận động, phát triển của đất nước trên tất cả các phương diện.
Một thành tựu quan trọng khác trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hiện nay, trong đời sống xã hội của đất nước, trên tất cả các phương diện, nhận thức của nhân dân về pháp luật đã được nâng cao rất nhiều. “Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng, làng xóm…, có một câu nói mà người dân hay dùng là: “Thôi, vấn đề đúng, sai thế nào thì để pháp luật phân xử”. Câu nói rất giản dị nhưng thể hiện người dân quan tâm tới pháp luật, tin cậy ở tính đúng đắn của pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó cũng là một thành tựu đáng chú ý”, ông Nguyễn Trọng Phúc nói.
Báo chí góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành pháp luật
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam... Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân. Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi Hiến pháp, pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Các chuyên gia, đại biểu QH cho rằng, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những công việc nêu trên. Trên thực tế, đây cũng là “sứ mệnh” đã và đang được các cơ quan báo chí tích cực triển khai. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; giúp người dân hiểu, tin tưởng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, các chính sách, pháp luật “thấm” vào đời sống hơn.
Báo chí - đặc biệt là các cơ quan báo chí của Bộ, ngành Tư pháp - còn cung cấp nhiều ý kiến có giá trị cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.“Với vai trò một thành viên Ủy ban Pháp luật của QH hai nhiệm kỳ, tôi nhận thấy rằng trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh của QH, Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng và các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung đã hỗ trợ đắc lực trong quá trình xây dựng pháp luật. Báo chí đã hỗ trợ hiệu quả cho các ủy ban của QH, đại biểu QH trong việc xây dựng những dự án luật có hiệu quả cao, có tuổi thọ lâu dài và được đại đa số quần chúng đồng tình, ủng hộ”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
“Tôi theo dõi cả báo viết, báo nói, truyền hình, báo điện tử thì thấy tất cả các cơ quan báo chí đều quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Đấy là một nhiệm vụ mà báo chí đã hoàn thành rất tốt. Riêng với Báo Pháp luật Việt Nam, với tôn chỉ, mục đích cụ thể của mình, đương nhiên đây là một chức năng rất quan trọng, được Báo thúc đẩy”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc đánh giá.
Đồng thời, báo chí cũng đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, góp phần cung cấp những thông tin từ thực tiễn đến các cơ quan, những người làm công tác xây dựng pháp luật, trong đó có các đại biểu QH. Đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH cho biết ông đánh giá rất cao vai trò của báo chí Việt Nam, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam, từ Tổng Biên tập, biên tập viên, phóng viên đã rất tích cực, trách nhiệm trong việc nắm tình hình dư luận và thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, cung cấp thông tin hai chiều cho người dân và cho cơ quan nhà nước.
“Các cơ quan báo chí đã thể hiện tốt vai trò đồng hành cùng Nhà nước, đồng hành cùng người dân trong hoạt động thông tin. Là một trong những người cộng tác rất đắc lực với báo chí, tôi thấy rằng khoảng 10 năm trở lại đây, báo chí đã thực hiện rất tốt và hiệu quả việc nắm thông tin, phỏng vấn đại biểu QH để thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân; mặt khác, cũng nắm lại tình hình dư luận để cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật, Chính phủ trong công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật”, ông Hòa nói.