Xây dựng và hoàn thiện pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững

Trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, vai trò của hệ thống pháp luật là vô cùng thiết yếu và mang tính quyết định.

Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững”. Ảnh: Hùng Anh

Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững”. Ảnh: Hùng Anh

Ngày 27/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững”. Hội thảo do Trường Đại học Thương mại phối hợp cùng Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển đồng tổ chức.

PGS-TS. Hà Văn Sự, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, phát triển bền vững - một khái niệm mang tầm vóc toàn cầu và ý nghĩa thời đại - đang ngày càng khẳng định vị thế trung tâm trong mọi chiến lược phát triển của quốc gia và quốc tế.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức và xác định phát triển bền vững là một mục tiêu chiến lược, xuyên suốt, được cụ thể hóa trong các văn kiện quan trọng. Trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, vai trò của hệ thống pháp luật là vô cùng thiết yếu và mang tính quyết định.

“Một hệ thống pháp luật tiến bộ, minh bạch, hiệu quả, có khả năng thích ứng và dự báo sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, dẫn dắt quốc gia tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững một cách toàn diện và hiệu quả”, ông Sự nói.

Theo GS-TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ, vì bản thân pháp luật bao gồm nhiều chuỗi quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh như quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội. Mỗi lĩnh vực quan hệ đó lại phát sinh ra các chuỗi quan hệ thứ cấp.

GS-TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững phải đáp ứng 4 yêu cầu cốt lõi, đó là phải có tính toàn diện bao trùm tất cả các nhu cầu của phát triển bền vững, không có “cắt khúc” giữa tính thực định và thực tiễn thi hành, phù hợp với các cách tiếp cận và nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về phát triển bền vững và phải tạo ra được cơ chế giải quyết tranh chấp công bằng, minh bạch, nhanh và hiệu quả.

ThS-NCS. Đặng Minh Phương, Giảng viên Khoa Luật kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hùng Anh

ThS-NCS. Đặng Minh Phương, Giảng viên Khoa Luật kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hùng Anh

Tiếp cận từ góc độ đầu tư công, TS. Nguyễn Như Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là: “Phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt của Chiến lược” và “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP bình quân đầu người 4 - 4,5%/năm và tăng trưởng GDP hàng năm trung bình từ 5 - 6%. Để hoàn thành các mục tiêu này, theo TS. Nguyễn Như Hà, vai trò của đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang tính quyết định.

Ông Hà đánh giá, Luật Đầu tư công năm 2024 đáp ứng nhu cầu “tạo đột phá” trong giải ngân đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu từ mô hình nhà nước kiến tạo và vấn đề phát triển chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững của Singapore, ThS. Phạm Minh Quốc, Giảng viên Bộ môn Luật thương mại quốc tế, Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại cho biết, từ một quốc đảo nhỏ bé với nhiều khó khăn sau khi giành độc lập, Singapore đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, nhờ sự nỗ lực phát triển chính sách xã hội và tạo ra khung pháp lý đồng bộ hiệu quả nhằm phát huy và bảo đảm công bằng xã hội cho người dân.

Hệ thống pháp luật ở Singapore bao phủ các lĩnh vực then chốt như y tế, nhà ở, giáo dục, an sinh xã hội và việc làm, được cập nhật và điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng những thay đổi của xã hội.

Ông Quốc cho rằng, từ bài học kinh nghiệm của Singapore, Việt Nam có thể nghiên cứu và học hỏi mô hình quỹ an sinh xã hội dựa trên tài khoản cá nhân (CPF) như Singapore. Đồng thời, cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, đề cao tính tự chủ và trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp trong an sinh xã hội.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xay-dung-va-hoan-thien-phap-luat-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-d291722.html