Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
Đội ngũ doanh nhân (ĐNDN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, tỉnh ta đặc biệt quan tâm xây dựng ĐNDN có năng lực, trình độ, uy tín cao để đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH nhanh và bền vững của tỉnh.
10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của ĐNDN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn quán triệt phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” (DN). Trên cơ sở đó, tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Hiện, toàn tỉnh có 1.895 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 1.565 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100% trên tổng số TTHC đủ điều kiện; 449 TTHC được rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định, 93,56% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị được giải quyết theo cơ chế “một cửa”; 100% TTHC có quy định liên thông được phê duyệt quy trình liên thông; 100% cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa hồ sơ, ứng dụng chữ ký số; 10 cơ quan thực hiện quy trình giải quyết TTHC “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Những nỗ lực trên đã góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức Nhà nước với DN, doanh nhân nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tiêu cực, hạn chế thấp nhất tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho DN.
Đặc biệt, sự gắn kết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chính quyền các cấp với DN được cải thiện rõ nét thông qua: Chương trình Cà phê doanh nhân sáng thứ 2 hàng tuần; hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN hàng năm; kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10)... Không những vậy, tỉnh ta còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiêu biểu có thể kể đến việc hỗ trợ kinh phí gần 15,3 tỷ đồng cho 5 DN tháo gỡ khó khăn trong SXKD. Đồng thời, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 20.7.2021, toàn tỉnh có 25 DN, hợp tác xã (HTX) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số tiền 543,9 tỷ đồng; 9 DN được giải ngân 765 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 154 của Chính phủ… Cùng với đó, tỉnh ta còn hỗ trợ 17 DN, HTX đổi mới công nghệ, cải tiến năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015...
Đi liền với những kết quả trên, các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, động viên DN, ĐNDN tham gia thực hiện tốt Cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn” “Tuần lễ DN vừa và nhỏ”... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD của DN cũng như thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của ĐNDN đối với xã hội. Nhiều DN chủ động hỗ trợ, ủng hộ kinh phí cho địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Điển hình trong đó, 37 DN của tỉnh đã ủng hộ Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Không ít doanh nhân trở thành tấm gương sáng, tiêu biểu được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tôn vinh, khen thưởng, như: Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện; Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Vũ Quang Lâm; Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây Nguyễn Văn Thắng…
Đặc biệt, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò ĐNDN; cấp ủy tỉnh đặc biệt coi trọng việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong DN tư nhân. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 12 tổ chức cơ sở Đảng, kết nạp 474 đảng viên, thành lập 92 tổ chức Công đoàn trong các DN, HTX, nghiệp đoàn với 5.284 đoàn viên. Từ sự quan tâm, khuyến khích, định hướng của cấp ủy, chính quyền, nhiều doanh nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ quản trị kinh doanh. Kết quả, có trên 700 doanh nhân và cán bộ diện quy hoạch các chức vụ trong DN đi đào tạo chuyên môn, học tập lý luận chính trị. Ấn tượng hơn, ĐNDN trong tỉnh không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm đối với người lao động và xã hội, coi đây là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của DN. Nhiều DN đã ban hành và thực hiện tốt quy định chuẩn mực về văn hóa DN; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang; thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Hiện nay, toàn tỉnh có 3.127 DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trong đó, 2.253 DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 33,5 nghìn tỷ đồng. Cùng với chủ trương “đồng hành cùng DN” của cấp ủy, chính quyền tỉnh, ĐNDN đã, đang phát triển cả về số lượng và chất lượng, có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội cao, đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý DN hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.