'Xây dựng và phát triển đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tại Bộ Ngoại giao trong tình hình mới'

Là chủ đề cuộc Tọa đàm do Thanh tra Bộ Ngoại giao tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Thanh tra Ngoại giao (15/10/1969-15/10/2024) tại Trụ sở Bộ, ngày 15/10.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dự khai mạc Tọa đàm 'Xây dựng và phát triển đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tại Bộ Ngoại giao trong tình hình mới’. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dự khai mạc Tọa đàm 'Xây dựng và phát triển đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tại Bộ Ngoại giao trong tình hình mới’. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dự khai mạc và phát biểu định hướng cho buổi Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện đơn vị chức năng thuộc Thanh tra Chính phủ, thanh tra một số bộ, ngành thuộc Khối Văn hóa - Xã hội, Thủ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị chức năng trong Bộ Ngoại giao và đại diện các thế hệ công chức Thanh tra Bộ qua các thời kỳ.

Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Thanh Tra Bộ nhân kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ hoan nghênh sáng kiến của Thanh tra Bộ tổ chức Tọa đàm với chủ đề thiết thực, ý nghĩa nhằm gắn kết hơn nữa với các đơn vị liên quan trong Bộ và các cơ quan thanh tra các bộ, ngành và cơ quan, đơn vị chuyên môn của Thanh tra Chính phủ trong triển khai công tác thanh tra Ngoại giao.

Thứ trưởng Thường trực, khẳng định, trong suốt chiều dài hình thành và phát triển của Bộ Ngoại giao, các thế hệ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Ngành, trong đó xây dựng nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Thứ trưởng Thường trực cũng gợi mở một số vấn đề có tính định hướng để các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận.

Một là, việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn. Đây là nhóm nhiệm vụ then chốt bởi “tư tưởng đúng, hành động mới đúng”.

Đội ngũ công chức làm công tác thanh tra phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”, coi đây là kim chỉ nam cho hoạt động và tu dưỡng của mình.

Hai là, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng công chức. Với sự đa dạng, phức tạp của công tác thanh tra, yêu cầu cốt yếu và xuyên suốt là đội ngũ công chức làm công tác thanh tra phải có trình độ chính trị, am hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, đồng thời vừa phải liên tục củng cố chuyên môn nghiệp vụ theo chiều sâu, vừa cần nâng cao khả năng nắm bắt các lĩnh vực công tác mới theo chiều rộng, nhạy bén về kiến thức đối ngoại.

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)

Ba là, việc hoàn thiện quy chế, quy trình; cải tiến phương thức làm việc, cơ chế phối hợp trong và ngoài Bộ; xây dựng môi trường làm việc văn minh, minh bạch, đoàn kết, vững mạnh gắn với việc thực hiện chế độ chính sách, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự, thi đua, khen thưởng, đánh giá công chức...

Đây là nhóm nhiệm vụ nền tảng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và tạo động lực để công chức luôn tự hào về Ngành, toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.

Bốn là, việc đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm cập nhật nhân sự và văn bản pháp lý liên quan, đáp ứng yêu cầu làm việc trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đây là yêu cầu khách quan, có vai trò không thể thiếu trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó, có công chức thanh tra Ngoại giao.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã luôn đồng hành, hướng dẫn kịp thời và hỗ trợ hiệu quả việc triển khai công tác thanh tra của Bộ Ngoại giao thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu đó trong thời gian tới.

Với truyền thống tốt đẹp của Thanh tra Ngoại giao trong 55 năm qua và hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2025), Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ mong đội ngũ công chức làm công tác thanh tra của Bộ phát huy hơn nữa truyền thống đầy tự hào của Ngành, tiếp tục “nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, ra sức thi đua, phấn đấu” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao phó cho ngành Ngoại giao.

Tham dự Tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh chủ đề cuộc Tọa đàm.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ: Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thể hiện qua việc không ngừng bổ sung nhân sự cho Thanh tra Bộ theo nguyên tắc “giao việc, giao người”, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của các đơn vị liên quan trong Bộ, việc trưng tập lực lượng thanh tra các sở, ngành tham gia các cuộc thanh tra tại địa phương cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo và tự đào tạo, Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ đã và đang hoàn thành khối lượng công việc lớn. Qua thực tiễn hoạt động của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, có thể nói, công tác thanh tra là một việc khó, yêu cầu người làm công tác thanh tra phải giữ vững bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng, quán triệt văn hóa công vụ, am hiểu pháp luật, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn và luôn nêu cao tinh thần phục vụ.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra: Đánh giá cao chủ đề Tọa đàm rất phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Công tác thanh tra hành chính trong ngành Ngoại giao khá đặc thù với đối tượng rộng là các cơ quan đại diện Việt Nam trải khắp toàn cầu. Với các quy định mới tại Luật Thanh tra 2022 về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và việc thành lập thanh tra sở tại địa phương…, Bộ Ngoại giao cần xem xét kiện toàn, xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ngành, từ đó, phát hiện sớm và phòng ngừa từ xa các vụ việc có dấu hiệu sai phạm; tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng số trong quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Về đào tạo bồi dưỡng, thời gian qua, Thanh tra Bộ Ngoại giao rất tích cực cử công chức tham dự các khóa bồi dưỡng tại Trường Cán bộ Thanh tra. Trường Cán bộ Thanh tra đã, đang và sẽ luôn đồng hành trong việc tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thanh tra cho công chức Bộ Ngoại giao.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra.

Ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ.

Ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ.

Ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ: Cục Ngoại vụ đã sát cánh cùng Thanh tra Bộ trong hầu hết các đoàn thanh tra chuyên ngành Ngoại giao tại các địa phương từ năm 2014 đến nay. Lãnh đạo Cục luôn cân nhắc lựa chọn, cử công chức có năng lực và kinh nghiệm công tác tham gia các đoàn thanh tra chuyên ngành. Công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra được Lãnh đạo Cục chú trọng thông qua nhiều biện pháp như: (i) lập bộ hồ sơ nguyên tắc về 03 nội dung thanh tra thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục; (ii) huy động công chức phụ trách các địa phương liên quan trong quá trình rà soát hồ sơ, chuẩn bị thanh tra; (iii) lập nhóm công chức có kinh nghiệm để chia sẻ các quy định pháp luật, quy trình chuẩn bị và triển khai công tác thanh tra chuyên ngành và kinh nghiệm ứng xử trong hoạt động thanh tra; (iv) yêu cầu công chức tham gia đoàn thanh tra báo cáo tại Giao ban Cục về kết quả, vấn đề phát sinh và kinh nghiệm giải quyết sau mỗi cuộc thanh tra; (v) với hoạt động thanh tra tại các địa phương gần Hà Nội, đề xuất cử thêm 1 công chức tham gia đoàn thanh tra để hỗ trợ, đào tạo tại chỗ. Các biện pháp nêu trên đã và đang phát huy hiệu quả, đóng góp thiết thực cho công tác thanh tra ngoại giao.

Ông Nguyễn Xuân Ánh, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao: Trên cơ sở định hướng thảo luận của Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, ý kiến phát biểu, chia sẻ của đại diện các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành, đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ, đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao rất thẳng thắn, chân thành, qua đó, gợi mở nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ công chức làm công tác thanh tra tại Bộ Ngoại giao trong tình hình mới. Đội ngũ công chức làm công tác thanh tra của Bộ qua nhiều thế hệ luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, sự phối hợp, đồng hành của các đơn vị liên quan trong Bộ, nỗ lực, cố gắng của công chức Thanh tra Bộ, công tác thanh tra của Bộ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới”.

Ông Nguyễn Xuân Ánh, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao.

Ông Nguyễn Xuân Ánh, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao.

* Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập, Thanh tra Bộ Ngoại giao đã tổ chức chương trình “Về nguồn” cho các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra qua các thời kỳ nhằm ôn lại lịch sử vẻ vang của ngành Ngoại giao và truyền thống của ngành Thanh tra.

Tại Tuyên Quang, Đoàn đã đến dâng hương tại Khu di tích Bộ Ngoại giao, Di tích Ban Thanh tra Chính phủ tại huyện Sơn Dương; thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Chuyến về nguồn đã đọng lại nhiều cảm xúc cho các thành viên tham gia.

Hải Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xay-dung-va-phat-trien-doi-ngu-cong-chuc-lam-cong-tac-thanh-tra-tai-bo-ngoai-giao-trong-tinh-hinh-moi-290334.html