Xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn: Học hỏi kinh nghiệm từ Israel

Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo ''Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel''.

Cụ thể, chiều ngày 23/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel” trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới một tương lai bền vững, kinh tế tuần hoàn ngày càng trở thành một ưu tiên hàng đầu. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra một diễn đàn sôi nổi để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.

Mở đầu hội thảo, Đại sứ Israel tại Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện nay. Ông khẳng định, sự kiện này không chỉ là một cuộc họp mặt để trao đổi ý tưởng, mà còn là minh chứng cho cam kết chung về hành động trong một thế giới mà tính bền vững là điều cần thiết. Cả Việt Nam và Israel đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn, mỗi quốc gia đều áp dụng các chiến lược phù hợp để tận dụng thế mạnh của mình. Việt Nam đang lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh hiện đại hóa. Trong khi đó, Israel, với nền kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đang dẫn đầu với các công nghệ và hoạt động giúp giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Đại sứ Israel tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phương

Với tinh thần tiến bộ này, ông cũng chia sẻ rằng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam gần đây đã trở thành thành viên của Vietnam Circular Economy Hub, một nền tảng được thành lập như một quan hệ đối tác công tư nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Bước tiến quan trọng này củng cố cam kết của Israel trong việc hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong nhiều lĩnh vực - cả công và tư - để thúc đẩy tính tuần hoàn và tính bền vững. Cùng nhau, hai quốc gia hướng đến mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cộng đồng toàn cầu.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Hạnh

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Hạnh

Hội thảo được chia thành hai phiên chính, tập trung vào hai chủ đề trọng tâm:

Đầu tiên là phiên 1: Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và kinh nghiệm thực tế từ Israel đã mang đến một cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn từ Israel. Bà Sharon Madel Artzy, Nhà sáng lập Nền tảng các bên liên quan về nền kinh tế tuần hoàn của Israel, đã trình bày những thông lệ tốt nhất của Israel trong lĩnh vực này, từ việc xây dựng chính sách đến việc triển khai các dự án cụ thể. Ông Nguyễn Thế Thông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, đã cung cấp thông tin chi tiết về chính sách kinh tế tuần hoàn quốc gia của Việt Nam, bao gồm các mục tiêu, chiến lược và các chương trình hành động cụ thể.

Bà Sharon Madel Artzy, người sáng lập và Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Ecomony, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Minh Hạnh

Bà Sharon Madel Artzy, người sáng lập và Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Ecomony, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Minh Hạnh

Ông Nguyễn Thế Thông - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hạnh

Ông Nguyễn Thế Thông - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hạnh

Đến phiên 2 là kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong kinh tế tuần hoàn tại Israel tập trung vào việc giới thiệu các giải pháp công nghệ và các mô hình kinh doanh sáng tạo của Israel trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Hội thảo đã giới thiệu 5 công ty Israel tiên phong trong các lĩnh vực như tính tuần hoàn của nhựa, xử lý nước, sản xuất dệt may bền vững và năng lượng thông minh. Các công ty và công ty khởi nghiệp hàng đầu của Israel như Ayala, Pillar, Refresh, UBQ Materials và Ormat đang tiên phong trong những tiến bộ toàn cầu hướng tới tính bền vững, điều này cũng có thể liên quan đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Nguyệt, đại diện Đại sứ quán Đức, cũng có bài phát biểu về vai trò quan trọng của tài trợ cho các sáng kiến kinh tế tuần hoàn. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của việc huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau, từ các quỹ đầu tư đến các tổ chức quốc tế, để hỗ trợ các dự án kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, Đại sứ Israel một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia và hợp tác từ tất cả các bên liên quan để cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới. Ông bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những người tham gia ngày hôm nay, nhấn mạnh rằng kiến thức chung và sự tham gia tích cực của mọi người là chìa khóa để định hình giai đoạn tiếp theo của sự phát triển kinh tế tuần hoàn trên con đường hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Hội thảo Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel”đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Israel để cùng hướng tới một tương lai bền vững.

Minh Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-va-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-hoc-hoi-kinh-nghiem-tu-israel-347827.html