Xây dựng và phát triển Quốc hội số
Ngày 8-1, Tổng thư ký Quốc hội công bố 5 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trong đó, công bố nghị quyết về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030; chính sách với cán bộ, công chức Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam khi thực hiện sắp xếp bộ máy.
Cụ thể, Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi số của Quốc hội, xây dựng và phát triển Quốc hội số; đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, bảo đảm liên thông, liên kết, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong hệ thống chính trị; chuyển toàn bộ hoạt động của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả…
Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển Quốc hội số nhằm kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội… tạo môi trường, điều kiện tương tác giữa cử tri với đại biểu Quốc hội. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin; phù hợp, đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026, Quốc hội sẽ hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số.
Đồng thời, 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số; đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Quốc hội với năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số.
Chính sách với cán bộ, công chức Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam khi thực hiện sắp xếp bộ máy
Nghị quyết số 1350/NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động quyết nghị giao Văn phòng Quốc hội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở lại Văn phòng Quốc hội kể từ ngày các cơ quan này kết thúc hoạt động cho đến khi có quyết định mới của cấp có thẩm quyền.
3 nghị quyết khác được Tổng thư ký Quốc hội công bố gồm: Nghị quyết số 1336/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết số 1344/NQ-UBTVQH15 thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan; Nghị quyết số 1345/NQ-UBTVQH15 về việc phân công đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/xay-dung-va-phat-trien-quoc-hoi-so-810609