Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Sáng 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững”.
Các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cùng các khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững” có ý nghĩa thiết thực nhằm đánh giá và khẳng định những đặc trưng, giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Vĩnh Phúc và sự đóng góp của văn hóa trong sự phát triển của tỉnh. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (2/3/1963 - 2/3/2023).
Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, Vĩnh Phúc đã tạo dựng nên diện mạo vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của miền quê văn hiến, các thế hệ người dân Vĩnh Phúc đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới cùng dựng xây quê hương, đất nước.
Vĩnh Phúc tự hào là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long, nơi lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa với đủ các loại hình; có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng cùng hàng trăm lễ hội độc đáo; có 3 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 di sản được ghi danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vĩnh Phúc cũng là một trong những trung tâm nho học với 86 tiến sĩ, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nền khoa bảng của tỉnh, góp mặt trong sự phát triển hưng thịnh của văn hiến nước nhà.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, trước những thời cơ và thách thức, để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn và làm rõ nét giá trị văn hóa của vùng đất, con người Vĩnh Phúc; vai trò, vị trí, những đóng góp của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc, qua đó xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã đề nghị các nhà khoa học, đại biểu nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Vĩnh Phúc, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương, phát huy vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; làm rõ những đặc trưng cơ bản của con người Vĩnh Phúc; làm rõ tình hình nguồn nhân lực hiện nay; dự báo yêu cầu nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu đã tham luận xung quanh vấn đề: Xây dựng văn hóa trong chính trị - nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng phẩm chất của người lãnh đạo; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế-xã hội; từ hệ giá trị con người Việt Nam, bàn về việc xây dựng con người Vĩnh Phúc; đặc trưng của con người Vĩnh Phúc trong lịch sử khoa cử Nho học ở Việt Nam.
Chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương và những khuyến nghị với tỉnh; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để khai thác, phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc; văn hóa tâm linh - thế mạnh và nguồn lực quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển du lịch bền vững; một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch văn hóa tại Vĩnh Phúc; số hóa nguồn tư liệu về di sản văn hóa của Vĩnh Phúc - yêu cầu tất yếu để phát triển…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất chủ trương ban hành nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Trong đó, xác định tỉnh cần đặc biệt chú trọng xử lý mối quan hệ giữa xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc với sự phát triển đồng bộ của kinh tế; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc một cách hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường mà vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển; chú trọng đầu tư cho nguồn lực văn hóa của tỉnh, bao gồm xây dựng và cơ chế phát triển nguồn nhân lực văn hóa, phân bổ ngân sách đầy đủ, hợp lý cho phát triển văn hóa, đầu tư cho cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tương xứng với sự phát triển của tỉnh.
Tập trung bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc; hơn hết là gắn với phát triển du lịch, trong đó tỉnh cần đầu tư, khai thác giá trị di sản có trọng tâm di sản văn hóa được công nhận mang giá trị, ý nghĩa biểu tượng văn hóa Vĩnh Phúc như Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo, di chỉ Đồng Đậu, các di tích cách mạng, di tích lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Tam Đảo, di tích Chiến khu Ngọc Thanh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên...
Củng cố, khai thác và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, tập trung vào các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh, công nghiệp văn hóa, công nghệ số.
Xây dựng văn hóa trong chính trị, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Vĩnh Phúc, coi việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài...