Xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội

Một tiết mục do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển biểu diễn. Ảnh: THIÊN LÝ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020, nhiều chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng... đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa.

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL về những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa và những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới.

* Ông có thể cho biết ngành Văn hóa tỉnh đã đạt được những kết quả gì nổi bật qua thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”?

- Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh). Một số di tích đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch, hành năm thu hút nhiều khách đến tham quan như: Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn; có 185 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được kiểm kê; có 4 di sản được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014), Lễ hội Cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015), Nghệ thuật Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân (2016), Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018). Đặc biệt, di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa tỉnh đã gặt hái nhiều thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống; sưu tầm hiện vật bảo tàng; nghệ thuật biểu diễn, văn hóa, văn nghệ quần chúng; điện ảnh; thư viện; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thiết chế văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và gia đình...

Hàng năm, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã tổ chức gần 200 suất biểu diễn và nhiều chương trình có giá trị về nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh; tham gia và đạt nhiều huy chương tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, khu vực... Đến nay, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã có 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, 7 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT. Các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tổ chức khoảng 1.000 suất biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh, đặc biệt biểu diễn phục vụ bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ngày càng phát triển sâu rộng, chất lượng được nâng lên. Sở VH-TT-DL thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn triển khai văn bản pháp luật liên quan đến phong trào và công tác gia đình cho các thôn, buôn, khu phố; tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng các thôn, khu phố về công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố... Đến nay, có 276 CLB gia đình phát triển bền vững và 35 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Ông Phạm Văn Bảy

Ông Phạm Văn Bảy

* Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa tỉnh còn tồn tại, hạn chế gì trong quá trình thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, thưa ông?

- Theo tôi, trong quá trình thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành Văn hóa còn tồn tại một số hạn chế như: sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong quản lý các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thiếu đồng bộ; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được chú trọng đúng mức; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là cấp xã, thôn hoạt động chưa thật sự hiệu quả; kinh phí cấp cho hoạt động văn hóa chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước; phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, lúng túng; mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng đồng bằng, đô thị còn có sự chênh lệch lớn...

Phong trào TDĐKXDĐSVH có lúc, có nơi còn mang tính bề nổi, thiếu bền vững, chưa đi vào chiều sâu. Một số ít cán bộ thôn, buôn trình độ còn hạn chế, nhất là kỹ năng tuyên truyền vận động nên việc hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào cũng như công tác gia đình còn lúng túng, bị động. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, đã tác động lớn đến nhận thức của một số gia đình, làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh của gia đình.

* Trong 5 năm qua, đã có những định hướng, chỉ đạo mới về phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Ông có thể chia sẻ về kết quả thực hiện những điểm mới này?

- Hiện tại, một số địa phương đang làm rất tốt công tác xây dựng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng các sản phẩm đặc trưng kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng. Tiêu biểu như: khóm Đồng Din, các sản phẩm làng nghề: bánh tráng, mây tre đan và một số hoạt động đời sống cộng đồng qua các lễ hội dân gian (huyện Phú Hòa), làng nghề phơi cá cơm xuất khẩu, nước mắm, nấu rượu cùng với những làn điệu hò khoan, hò kéo lưới (TX Sông Cầu)...

Sở VH-TT-DL đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, khảo sát, đưa những DSVHPVT đặc trưng của từng địa phương vào danh mục để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia sau này nhằm bảo tồn và phát huy những DSVHPVT đó. Đồng thời xây dựng thiết chế văn hóa ở các địa phương gắn liền với xây dựng văn hóa và nông thôn mới, trở thành những địa điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân ở từng địa phương. Trước mắt, Sở VH-TT-DL đang khảo sát một số khu vực đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, cảnh quan... từ đó, tư vấn các địa phương xây dựng các điểm du lịch văn hóa cộng đồng gắn liền với sản phẩm du lịch cộng đồng.

* Để xây dựng ngành Văn hóa tỉnh ngày càng phát triển, bền vững và để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, theo ông, ngành Văn hóa tỉnh cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì trong nhiệm kỳ 2020-2025?

- Để đổi mới hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2020-2025 và thời gian tiếp theo, ngành Văn hóa tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về văn hóa. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa. Ba là, tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích; văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Bốn là, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa. Năm là, truyền thông về phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh...

* Xin cảm ơn ông!

Phát triển văn hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ và lâu dài. Chính vì vậy, ngành Văn hóa rất mong có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy

THIÊN LÝ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/245653/xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-tro-thanh-nen-tang-tinh-than-cua-xa-hoi.html