Xây dựng văn hóa, con người Đất Tổ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

PTĐT - Ngày 09 tháng 6 năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33 - NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng bào Mường huyện Yên Lập còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.Ảnh: NGUYÊN AN

Đồng bào Mường huyện Yên Lập còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.Ảnh: NGUYÊN AN

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy đã sớm tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết, cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 49-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết. Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.Trước hết, việc triển khai quán triệt, học tập Nghị quyết được các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, trong triển khai có cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả, qua đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người được nâng lên, thấm nhuần quan điểm của Đảng “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

Để xây dựng và phát triển con người Đất Tổ một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Phú Thọ đã tập trung chăm lo việc xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Việc thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh có 489/599 trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt 81,6%. Trong đó: cấp Tiểu học có 274/294 trường, đạt 93,2%; THCS có 184/259 trường, đạt 71,1% và THPT có 31/46 trường, đạt 67,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 65,7%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 27,4%. Hết quý III/2019, 13/13 Trung tâm y tế huyện, thành, thị triển khai hệ thống Telemedicine theo cụm trạm y tế phục vụ khám và điều trị từ xa; 73,6% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nâng lên, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 31,4%.Để xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, tỉnh đã ban hành kế hoạch về “Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có sự bổ sung trong nội dung triển khai, hợp nhất sự chỉ đạo. Xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 93 xã, 166 khu dân cư nông thôn mới (tăng 12 xã và 53 khu so với cuối năm 2018); bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã (kế hoạch 2019: 14,5 tiêu chí/xã). Tính đến hết năm 2018 toàn tỉnh đã có 342.216/388.882 hộ gia đình (88%) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 2.520/2.887 khu dân cư (87,3%) đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí cơ quan văn hóa; 95% số đám cưới, 96,2% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh theo quy định của Nhà nước và quy ước văn hóa ở khu dân cư. Một số mô hình cưới theo nếp sống mới (tiệc trà, tiệc ngọt, báo hỷ) đã được thí điểm triển khai ở phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì; thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông; phố Âu Cơ, phường Quang Trung, thị xã Phú Thọ và đang được nhân ra diện rộng.Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chú trọng xây dựng chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. 100% số cơ quan hành chính cấp tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ và uy tín của chính quyền địa phương. Đẩy mạnh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh đạt 63,95 điểm, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 hạng so với năm 2017 và đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh Vùng Trung du miền núi Bắc bộ.

Tỉnh đã quan tâm, đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số. Đến nay, đã có 316 di tích được Nhà nước xếp hạng trong đó Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích Quốc gia đặc biệt. Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm. Giai đoạn 2009-2019 kinh phí đầu tư cho việc tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh là 190 tỷ trong đó vốn xã hội hóa trên 100 tỷ. Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả. Phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số, đã khôi phục 12 lễ hội của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông. Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập), Lễ hội Đền Tam Giang (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.Lĩnh vực văn học, nghệ thuật và báo chí có nhiều tiến bộ. Đài Phát thanh, Truyền hình đã hoàn thiện các phương thức truyền dẫn phát sóng hiện đại. Báo Phú Thọ được đầu tư trang thiết bị hiện đại để phát triển ở cả 4 sản phẩm báo chí. Sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh có bước phát triển tích cực cả về xây dựng đội ngũ, sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và bảo tồn văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ.

Đã quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh con người, văn hóa vùng Đất Tổ. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch, điểm du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn huy động tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch đạt mức 4.355,96 tỷ đồng, (giai đoạn 2016-2018). Tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh trên cơ sở khai thác giá trị 2 di sản Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm du lịch được tập trung xây dựng, bước đầu khai thác có hiệu quả, góp phần thu hút từ 6,5 - 7,5 triệu lượt khách mỗi năm.Bên cạnh đó, đã tăng cường nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức thế giới, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Kịp thời ngăn chặn loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. Mở rộng hợp tác văn hóa, đẩy mạnh giao lưu văn hóa với các nước ASEAN, đặc biệt với các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh.Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Nhận thức về việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc ở một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân chưa sâu sắc; việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư tài trợ còn thấp; chưa phát huy tiềm năng, lợi thế các di sản lịch sử, văn hóa với việc thu hút du khách, phát triển du lịch; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ lĩnh vực văn hóa chưa được coi trọng đúng mức.Để xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới tỉnh Phú Thọ tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 49-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thật sự thấm nhuần quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, góp phần tích cực xây dựng con người Việt Nam “phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới; tập trung nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là địa bàn vùng dân tộc thiểu số; coi trọng việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống; làm tốt công tác quản lý Nhà nước tại các khu, điểm du lịch văn hóa, tâm linh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân. Chủ động đón nhận các cơ hội phát triển, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ và của các dân tộc thiểu số trong tỉnh.Bùi Đình Thi
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201911/xay-dung-van-hoa-con-nguoi-dat-to-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-167893