Xây dựng văn hóa trong Đảng - Nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới
Trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), ngày 15/1/2025, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới'.
Dự và chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, với 84 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý. Đây là minh chứng sinh động về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng ở giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong Đảng: "Văn hóa trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng".
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, văn hóa trong Đảng được hình thành và vun đắp trong suốt 95 năm lãnh đạo cách mạng, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. "Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối Đổi mới", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xây dựng văn hóa. Trong giai đoạn đổi mới gần 40 năm qua, xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra: "Nhận thức lý luận về văn hóa trong Đảng và nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về xây dựng văn hóa còn chậm".
Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng.
Thứ ba, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa và công tác xây dựng văn hóa trong Đảng.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước.
Kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở vào thời điểm có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh và tương lai dân tộc, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã đề nghị các cơ quan chủ trì, đặc biệt là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung xây dựng văn hóa trong Đảng gắn với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong quá trình xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.