Xây dựng văn hóa trong Đảng - Nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới
Ngày 15.1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học quốc gia 'Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới'.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và một số nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa…
Ban tổ chức cho biết, hội thảo đã có gần 90 tham luận phản ánh sự quan tâm, đóng góp trí tuệ của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý. Đây là minh chứng sinh động, rõ nét, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng và ý nghĩa thiết thực của hội thảo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn. Ông Thắng nhấn mạnh văn hóa trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng.
Được hình thành và vun đắp trong lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua các kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, kỷ nguyên đổi mới, hội nhập và phát triển, văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối Đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại…
Bên cạnh nhiều thành tựu, kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng còn những hạn chế.
Ông chỉ ra thực tế vai trò của văn hóa có nơi, có lúc chưa được coi trọng và phát huy đúng mức; nội dung, phương thức xây dựng văn hóa trong Đảng chưa được chú trọng; việc tổ chức thực hiện lan tỏa giá trị đạo đức cách mạng còn là khâu yếu.
Thậm chí có cấp ủy và đảng viên chưa quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý đảng viên. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, rất tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
"Có những cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bị cám dỗ, mua chuộc, lao vào những lợi ích bất minh, không làm tròn bổn phận, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân", ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, mở ra vận hội to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi phải có tư duy, cách làm mới, có sự đột phá trong quyết sách chiến lược, khơi dậy niềm tự hào, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần đoàn kết và ý chí của con người Việt Nam, để đưa đất nước phát triển vững vàng trên con đường đổi mới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị; tinh thần nghiêm túc, khoa học, tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo.
Ông khẳng định hội thảo thực sự là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, các vị lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới.
Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thi, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng.
Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên…
Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng…
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên…
Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.