Xây dựng văn hóa từ những điều giản dị

Từ lâu, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng luôn được xem là một hành vi văn minh, biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Vì thế, các phong trào như: 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa', 'Nét đẹp công chức', 'Thanh niên thanh lịch', 'Thành phố văn minh'... xét cho cùng đều hướng đến việc xây dựng ý thức, lối ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm trong cộng đồng.

Xây dựng lối sống có văn hóa chẳng đâu xa, bắt nguồn ngay từ những điều giản dị như: Tuân thủ Luật Giao thông, đổ rác đúng giờ, xếp hàng, giữ trật tự nơi công cộng… những hành động tưởng chừng như nhỏ bé ấy sẽ góp phần hình thành nên nét đẹp của xã hội, tạo nên góc nhìn tích cực về con người Việt Nam ra thế giới.

Kỳ 1: Xây dựng văn hóa giao thông

An toàn giao thông đã và đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện, trong đó có việc tạo dựng văn hóa giao thông, nâng cao nhận thức, ứng xử văn minh trong tham gia giao thông.

Bắt đầu từ đâu?

Văn hóa giao thông hiện nay đang lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có nhận thức về văn hóa giao thông nhưng ý thức tự giác còn kém.

Đơn cử như, trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi có kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì hoạt động giao thông rất trật tự. Thế nhưng, khi họ vắng bóng mọi chuyện khác hẳn. Tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, điều khiển phương tiện đi hàng đôi, hàng ba trên đường, bá vai, đẩy xe khi tan trường, đi không đúng làn đường, đi ngược đường… vẫn còn xảy ra.

Tham gia giao thông có ý thức, tuân thủ làn đường và sự chỉ dẫn của đèn tín hiệu sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Tham gia giao thông có ý thức, tuân thủ làn đường và sự chỉ dẫn của đèn tín hiệu sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Không ít người cho đó là chuyện nhỏ, mọi người vẫn làm như vậy có sao đâu. Thế nên, chỉ đến khi gặp tai nạn mới thấu hiểu “sai một ly đi một dặm”, chuyện nhỏ dẫn đến tai họa lớn. Nhiều lái xe ô tô cũng ít khi ý thức được rằng tính mạng của nhiều người phụ thuộc vào họ để chú tâm lái xe cẩn thận, an toàn, nên đã xảy ra hiện tượng ngủ gật, lơ đễnh, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn phần đường quy định, gây nên những tai nạn chết người.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa giao thông của mỗi người không phải tự nhiên có được mà nó hình thành qua quá trình giáo dục lâu dài từ nhỏ trong gia đình, trong nhà trường và tiếp nhận có chọn lọc hành vi văn hóa giao thông trong xã hội.

Thực tế hiện nay, ngoài nhóm đối tượng đặc thù được đào tạo là những người làm nghề lái xe chuyên nghiệp hoặc những người đã được dạy lái xe thông qua các khóa học do cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm giảng dạy thì phần đông người dân hiểu biết rất hạn chế về các quy tắc giao thông mặc dù có qua sát hạch lấy giấy phép lái xe. Hệ lụy nhãn tiền là, không ít cá nhân “vi vu” trên đường mà không biết rằng, để tham gia giao thông an toàn còn cần nhiều kỹ năng quan trọng khác.

Ví như lái xe trong đêm tối, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, lái xe khi qua đường cua, ngoặt, nơi tầm nhìn bị hạn chế, sử dụng đèn, còi, màu áo, khi dừng, đỗ xe thì cần phải làm gì để bảo đảm an toàn; khi trạng thái sức khỏe, tâm sinh lý như thế nào thì không nên điều khiển phương tiện… Ngoài ra, lâu nay khi nói đến trật tự an toàn giao thông, dư luận cũng như các cơ quan chức năng thường chỉ tập trung vào nhóm đối tượng sử dụng phương tiện cơ giới mà ít chú ý đến nhóm đối tượng người đi bộ và người sử dụng phương tiện thô sơ. Trong thực tế, nhóm đối tượng này vừa có thể là nạn nhân vừa có thể là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn.

Đồng bộ các giải pháp

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học – người giành giải Nhì cuộc thi cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức chia sẻ, tham gia giao thông tuân thủ Luật cũng là một trong những động thái góp phần xây dựng văn hóa. Nhà văn Nguyễn Văn Học cho rằng, đôi khi các hành vi vi phạm như: Leo xe lên vỉa hè, lấn làn, vượt đèn đỏ… còn là hiệu ứng đám đông theo kiểu “anh đi được, tôi cũng đi được”.

Nói cách khác, nhiều người tham gia giao thông theo tâm thế bị động, chịu tác động của hiệu ứng đám đông. Họ không hiểu được rằng, nếu đi đúng làn đường, đúng chỉ dẫn của cảnh sát giao thông thì vấn đề tắc đường sẽ được giải quyết nhanh hơn so với hành vi lấn làn, luồn lách, leo vỉa hè...

Chưa hết, hành vi leo vỉa hè như thường thấy trên một số tuyến phố sẽ gây nguy hiểm với những xe gầm thấp cố leo lên những vỉa hè cao hơn mặt đường. Khi cố leo lên hoặc lao xuống một vỉa hè cao, chuyện ngã, đổ xe, hay va đập gầm xe gây hỏng hóc hoàn toàn có thể xảy ra.

Xây dựng văn hóa trong tham gia giao thông không phải "đao to búa lớn" mà bắt đầu ngay từ những việc nhỏ như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Giang Nam

Xây dựng văn hóa trong tham gia giao thông không phải "đao to búa lớn" mà bắt đầu ngay từ những việc nhỏ như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Giang Nam

Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam): Có thể thấy một vòng lặp luẩn quẩn từ vấn đề liên quan là: Người dân ngại đi bộ, dẫn đến dùng xe cá nhân; phương tiện ra đường nhiều thì áp lực tăng, ùn tắc giao thông tăng. Hễ cứ gặp ùn tắc là lại đua nhau lao lên vỉa hè, tìm mọi cách thoát, gây nguy hiểm và bất tiện khiến người dân trở nên ngại đi bộ…

Chuyên viên tư vấn luật Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, các ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh, cho phép sử dụng phương tiện nghiệp vụ (camera ghi hình - PV) để xử phạt hành chính, xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Rõ ràng, để hình thành văn hóa giao thông, các cơ quan chức năng cần có chiến dịch truyền thông sâu và dài hơi về an toàn giao thông, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Bên cạnh việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn để giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm họa tai nạn giao thông.

Hơn hết, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã và đang là công việc cấp bách, không của riêng ngành hay đơn vị nào chịu trách nhiệm mà đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cả hệ thống chính trị huy động sức mạnh để thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Xây dựng con người văn hóa trong giao thông sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đồng thời cũng góp phần tạo ra môi trường giao thông văn minh, thân thiện.

Còn nữa…

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-van-hoa-tu-nhung-dieu-gian-di-95019.html