Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh ở nước ta hiện nay.
HÀNH VI LỆCH CHUẨN
Việt Nam đi lên từ truyền thống văn hóa của một nước nông nghiệp trồng lúa nước. Những dấu ấn của văn hóa làng xã, trọng tình, trọng kinh nghiệm, tuổi tác; đề cao yếu tố tình cảm, gia đình, dòng họ; con người sống theo những chuẩn mực đạo đức, biết nhường nhịn, kính trên nhường dưới, ý thức rõ bổn phận, vị thế của mình trong xã hội vẫn được lưu truyền. Bên cạnh những hành vi, phong cách đẹp đã xuất hiện những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi lệch chuẩn của không ít cá nhân.
Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế và thiếu phông nền văn hóa nhất định, không ít cá nhân đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở nơi công cộng (nơi sinh hoạt, lao động, tương tác chung của cả xã hội). Tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều ở mọi giai tầng, lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.
Những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của hành khách tại các nhà ga trong nước và quốc tế được camera an ninh và người dân ghi lại, sau đó phát tán, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây những làn sóng phẫn nộ, lên án gay gắt của cộng đồng.
Tình trạng chen chúc, xô đẩy, không nhường nhịn khi mua vé của hành khách khiến cho không gian công cộng ở nhiều nhà ga, bến tàu trở nên nhộn nhạo. Tình trạng tranh giành, bắt khách dọc đường của chủ xe khiến nhiều người sợ hãi. Dường như ở nhiều nhà ga, bến xe hiện nay, việc thực thi những nguyên tắc, quy định về văn hóa ứng xử, về nếp sống văn minh nơi công cộng vẫn chưa được lưu tâm vì thiếu chế tài và đội ngũ cán bộ hướng dẫn, vận hành. Còn khi tham gia giao thông ở những đô thị lớn, vì vội, vì mục đích cá nhân, người đi đường sẵn sàng liều mình, bất chấp luật pháp để đua chen, sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, những câu chửi đổng khi người khác lỡ va chạm…
Chỉ vì thiếu ý thức tôn trọng người khác, coi thường tính mạng của bản thân và người khác cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông khiến việc xây dựng và hình thành văn hóa giao thông ở nước ta gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số vụ tai nạn với mức độ, tính chất và số người tử vong không ngừng gia tăng, để lại những nỗi đau lớn cho người ở lại và cộng đồng xã hội.
Một điều đáng lo ngại khác trong văn hóa ứng xử là xâm phạm các công trình văn hóa, mỹ thuật công cộng. Con đường gốm sứ - một công trình tiêu biểu của các họa sĩ, nghệ nhân trong và ngoài nước thể hiện tình yêu Hà Nội nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long bị nhiều người phóng uế bừa bãi hay cậy phá nham nhở.
Tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh, việc xả rác bừa bãi, tè bậy, viết bậy, ngồi lên các cổ vật, mặc đồ hở hang, đốt nhiều tiền vàng, làm mất đi sự tôn nghiêm và văn hóa.
Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ với sự giao tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh những điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là sự nảy sinh những thói quen xấu. Điều này cần phải được nhận diện để loại trừ nhằm hướng đến sự văn minh, tích cực.
Mỗi hành vi ứng xử của con người, nhất là đối với những người có uy tín, kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên (qua ngôn ngữ, lời nói, hành động, cử chỉ) đều có tác động và ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành động của cộng đồng. Vì thế việc điều tiết tốt suy nghĩ, hành động, nói lời hay, làm việc tốt sẽ góp phần nhân lên những giá trị mới, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
XÂY DỰNG NÉT ĐẸP VĂN HÓA ỨNG XỬ NƠI CÔNG CỘNG
Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi bởi những cá nhân cụ thể là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn. Theo đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp căn bản như:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng. Không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay, góp sức của mỗi người với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm.
Để hình thành nên môi trường văn hóa, các cấp ủy đảng và chính quyền cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; trong đó, cần thực hiện tốt mục tiêu: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách” theo tinh thần Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ (Quyết định số 581/QĐ-TTg
ngày 6-5-2009) nhằm đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo những giá trị tốt đẹp để con người có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.
Đối với các cơ quan quản lý phụ trách, điều hành hệ thống thiết chế văn hóa công cộng, trên cơ sở bám sát những quy định, hướng dẫn của Chính phủ, nhất là Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó, xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành nghề, phù hợp với tập tục, tập quán và nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền.
Thứ hai, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên. Trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện nhất quán, đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI; trong đó, chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho người học.
Truyền thống giáo dục, văn hóa của mỗi gia đình, địa phương là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò nền tảng, tạo môi trường tốt để mỗi cá nhân học tập và cố gắng vươn tới những giá trị cao đẹp. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới (Internet, mạng xã hội), sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, các gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho con em, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các học trò. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm thực tiễn và xử lí những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành lên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp.
Hạt nhân của văn hóa ứng xử là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức do cộng đồng sáng tạo và thực hành. Vì thế, vai trò của những thế hệ đi trước, những người lớn tuổi, đội ngũ cán bộ, đảng viên có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội. Để xây dựng văn hóa ứng xử cần nêu cao gương mẫu, đi đầu của những người có trách nhiệm với những lời nói, việc làm thống nhất, vì lợi ích của cộng đồng, tạo điểm tựa tinh thần và là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, phong cách để mọi người học tập, noi theo./.
Thứ ba, song song với việc học tập tinh hoa văn hóa truyền thống với những bài học về đối nhân xử thế của cổ nhân; hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp biến văn hóa, văn minh nhân loại thì cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia sinh hoạt văn hóa nơi công cộng thì việc quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài lực trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân (như hệ thống cảng, nhà ga, sân vận động, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, công viên, khu vui chơi giải trí…) sẽ là một giải pháp quan trọng. Bởi chính trong không gian, môi trường văn minh, hiện đại với cách bài trí cảnh quan hài hòa, thân thiện, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, tộc người, chắc chắn sẽ “kiềm tỏa” và hạn chế được những hành vi phi văn hóa của nhiều người, đánh thức và lan tỏa những hành động đẹp, hướng con người đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp.
Xây dựng văn hóa ứng xử là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, bắt đầu từ vấn đề giáo dục, nhận thức của mỗi người. Để kiến tạo không gian, môi trường văn hóa công cộng lành mạnh với cung cách ứng xử văn minh, lịch sự của mỗi người cần tạo dựng nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức và hệ thống pháp luật đủ mạnh, được thực thi một cách tự giác, nghiêm minh. Cần lên án và loại trừ những biểu hiện “lệch chuẩn” trong hành vi giao tiếp, ứng xử của một số người ở nơi công cộng; đồng thời thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp để xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện - động lực quan trọng nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh