Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh
Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, nhất là chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tăng rõ rệt. Trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi, chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm đã tạo ra kết quả tích cực đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh.
>> Giải pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi
>> Chuyện lớn, chuyện nhỏ
>> Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bình Phước cần có chiến lược trở thành trung tâm chăn nuôi
>> [Video] Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Bình Phước về phát triển chăn nuôi gia cầm
>> Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Bình Phước về phát triển chăn nuôi gia cầm
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Đối với đàn gia cầm, toàn tỉnh đang đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Vùng chăn nuôi trọng điểm
Toàn tỉnh hiện có 84 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó chăn nuôi gia công 16 trang trại; 24 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê; 44 trang trại tư nhân tự nuôi. Tổng đàn gia cầm trên 5,9 triệu con, đạt 66,3% so với dự kiến năm 2020 là 9 triệu con. Trong đó, chăn nuôi gia cầm trang trại trên 3,3 triệu con, chiếm 56,5% so tổng đàn; chăn nuôi gia cầm trong nông hộ hơn 2,5 triệu con/86.505 hộ, chiếm 43,5% so tổng đàn. Hiện có 39 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, chiếm 46,42%; 45 trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở, chiếm 53,57%. Trong 84 trại, có 5 trại gà đẻ trứng thương phẩm; 3 trại gà giống bố mẹ; 2 trại gà hậu bị; 1 trại vịt giống đẻ trứng; 2 trại vịt thương phẩm và 71 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm trại chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn ở huyện Đồng Phú sáng 6-7-2019 - Ảnh: Trần Phương
Nhờ các chính sách thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều công ty, tập đoàn chăn nuôi đến đầu tư phát triển. Tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đang đưa ra chiến lược xuất khẩu trong thời gian tới với mục tiêu trở thành “Nhà bếp của thế giới”. Hiện nay, trọng tâm xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến của CP Việt Nam hướng tới thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Á, Trung Đông và toàn cầu.
Tập đoàn Hùng Nhơn hiện cũng định hướng phát triển tại Bình Phước giai đoạn 2019-2022 sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư hệ thống chuồng trại mới, nâng số lượng gấp 2 lần hiện nay, đàn gà đẻ lên 700 ngàn con, sản lượng trứng lên 260 triệu quả/năm, đàn gà thịt lên 6 triệu con.
Hoạt động từ tháng 3-2018, Công ty TNHH Dabaco Bình Phước tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã hoàn thành dự án trại chăn nuôi gà giống và ấp trứng. Ông Đỗ Văn Thuận, Giám đốc công ty cho biết: Công ty có tổng diện tích 23 ha, trong đó 13 ha quy hoạch xây dựng chuồng trại, 10 ha xây dựng văn phòng hoạt động của công ty và trồng cây xanh. Hiện công ty hoàn thành 85% hạng mục, 17 chuồng đã hoạt động, 8 chuồng cơ bản hoàn thành đang lắp ráp các thiết bị. Công ty mới nhập 8.000 con gà giống; gà thịt 15 ngày sẽ nhập 1 lần với số lượng 20.000 con/lần. Công ty đang tạo việc làm cho 200 công nhân với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Thực hiện Quyết định số 440/QĐ-BNNPTNT ngày 3-2-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”, ngày 6-9-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về việc thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà hướng tới đạt các điều kiện xuất khẩu giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh tham quan dự án trại chăn nuôi gà giống và ấp trứng của Công ty TNHH Dabaco Bình Phước
Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp UBND huyện Đồng Phú triển khai xây dựng vùng ATDB đối với gà với một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tập huấn, tuyên truyền; điều tra, thống kê, lập danh sách hộ chăn nuôi; tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và newcastle; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; lấy mẫu giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và newcastle, thẩm định các cơ sở chăn nuôi tập trung đạt điều kiện ATDB... Kết quả có 12/12 cơ sở chăn nuôi tập trung được công nhận ATDB, với tổng đàn quy mô 1.516.000 con.
Hiện tỉnh chỉ mới bố trí kinh phí thí điểm xây dựng vùng ATDB tại huyện Đồng Phú. Trong khi chi phí xét nghiệm dịch bệnh tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định đã ảnh hưởng đến chăn nuôi, xây dựng, thẩm định và công nhận cơ sở ATDB.
70% cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận atdb
Đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 59 cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận ATDB (57 trại gà và 2 trại vịt), chiếm 70% tổng cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thị xã Bình Long có 3/30 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB, chiếm 27%; huyện Chơn Thành có 8/14 trang trại được công nhận ATDB, đạt 57%; huyện Đồng Phú có 12/12 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB, đạt 100%. Thành phố Đồng Xoài có 1/2 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB, đạt 50%; Hớn Quản có 20/23 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB, đạt 87%.
Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 6-10-2017 về việc thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà hướng tới đạt các điều kiện xuất khẩu giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, bổ sung kinh phí xây dựng vùng ATDB cho 2 huyện Chơn Thành, Hớn Quản và thị xã Bình Long, thành phố Đồng Xoài giai đoạn 2019-2022.
Tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 2 đợt/năm. Cụ thể, có 403.780/421.294 con gia cầm của 5.210 hộ được tiêm phòng cúm gia cầm. Tiêm phòng newcatsle được 363.567/380.324 con cho 5.079 hộ. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thực hiện lấy mẫu 60 con gia cầm/30 hộ/xã với số mẫu gộp xét nghiệm 12 mẫu/xã. Thực hiện lấy mẫu giám sát 11 xã thuộc huyện Đồng Phú với 330 hộ chăn nuôi, 132 mẫu gộp xét nghiệm phát hiện vi-rút cúm gia cầm và vi-rút newcastle. Kết quả không phát hiện vi-rút cúm H5N1 và các chủng vi-rút cúm nguy hiểm khác, không phát hiện vi-rút newcastle gây bệnh. Hiện nay, UBND huyện Đồng Phú đang hoàn thiện các hồ sơ đề nghị Cục Thú y công nhận huyện Đồng Phú ATDB đối với gà.