Xây dựng vùng cà rốt sạch ngoại ô
Xuân Thọ - mảnh đất ngoại ô của phố núi Đà Lạt vốn là vùng nông nghiệp truyền thống với cây rau, cây hoa. Ngoài ra, vùng đất này còn nổi tiếng với cây cà rốt, thứ cho củ màu cam giòn, ngọt. Hôm nay, người Xuân Thọ đang xây dựng vùng cà rốt sạch mang thương hiệu đất ngoại ô.
Bà Phạm Thị Quá, thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ kể, nhà bà cũng như hầu hết bà con xứ này đều trồng cà rốt. Thứ cà rốt cọng tím, thân thấp, củ vàng cam, vị ngọt đã được cha mẹ bà canh tác và đến đời bà cũng vẫn gắn bó. Bà Quá chia sẻ: “Dân Xuân Thọ trồng cà rốt quen rồi, nhà nào cũng trồng hết. Giờ nông nghiệp thay đổi, nhiều hộ làm nhà kính trồng bông, trồng rau nhưng cà rốt vẫn là cây người Xuân Thọ gắn bó”.
Bà Phạm Thị Quá chia sẻ, người Xuân Thọ không trồng cà rốt giống mới mà chuyên trồng giống các cụ để lại. Thứ nhất giống cà rốt cọng tím đã quen “chân” đất, dễ chăm, dễ sống, bà con cũng biết rõ kỹ thuật canh tác. Thêm nữa là cà rốt cọng tím cho củ có màu đẹp, giòn và ngọt đậm, củ vừa phải, được người tiêu dùng ưa chuộng. Một năm 3 vụ cà rốt, nông dân nào ở xứ ngoại ô này đều quen với thứ củ màu cam đặc sản. Đất trồng cà rốt cần được cày xới kỹ, lên luống, bón lót bằng phân hữu cơ rồi rải hạt. 10 ngày sau, cây nảy mầm và sau 35 ngày, khi cà rốt cao chừng một gang tay thì bà con “chia” cây, tức là tỉa bớt cây con để đảm bảo mật độ phù hợp. Tỉa cây xong, cây cà rốt bắt đầu lớn nhanh, phát triển củ. Sau 3,5 tháng là củ đạt độ lớn đủ thu hoạch. Để làm giống, nhà vườn sẽ chọn những củ cà rốt đẹp, cắt lá sát thân củ, sau đó trồng lại, để cây ra hoa, kết trái, thu hạt già phơi khô để làm giống cho vụ sau. Quay vòng, cà rốt có thể trồng 1 năm 3 vụ.
Trồng cà rốt đã thành truyền thống của nông dân Xuân Thọ. Nhưng hôm nay, người nông dân cũng thay đổi dần để nâng cao giá trị cây cà rốt xứ núi. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết, xã đang triển khai xây dựng vùng cà rốt an toàn. Toàn xã có 125 ha chuyên canh cà rốt, nằm thành vùng tập trung. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng 22 tổ hợp tác trồng cà rốt Việt GAP trên vùng chuyên canh. Cứ khoảng 20-22 hộ có diện tích đất sản xuất gần nhau tập trung thành tổ, sản xuất cà rốt theo tiêu chuẩn Việt GAP được chứng nhận. Khoảng 80% diện tích trồng cà rốt của Xuân Thọ đã được tập trung vào các tổ sản xuất cà rốt an toàn.
Việc tập hợp nông dân vào các tổ hợp tác sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ Việt GAP đã giúp nông dân Xuân Thọ thay đổi nhiều. Chị Đoàn Thị Minh Công, thôn Đa Quý cho biết, trước đây nông dân thường bỏ phân hữu cơ cho cà rốt nhưng là phân xác mắm, phân bò. Chị Công đánh giá: “Cà rốt rất ưa phân hữu cơ, có phân hữu cơ củ to, ngọt nên hồi trước bà con hay bỏ phân bò, phân xác mắm. Khi tham gia tổ hợp tác, cán bộ nông nghiệp cho biết các loại phân này không an toàn, bỏ xong đất nhiều tuyến trùng. Nay bà con bỏ phân hữu cơ đã xử lý an toàn như phân gà nở, vừa tốt cho cây, vừa không ảnh hưởng tới đất. Trồng cà rốt giờ phải tuân theo quy trình đã được hướng dẫn”. Chị Quý cũng cho biết, nhiều hộ trồng cà rốt giờ đầu tư rất nhiều, trồng có cảm biến theo dõi khí hậu, độ ẩm, tưới tự động tiết kiệm nước, trồng cà rốt theo hướng hữu cơ… Hiện, năng suất cà rốt xã Xuân Thọ trung bình đạt 3,5 - 4 tấn/sào/vụ, tính theo ha xấp xỉ 110 - 120 tấn/ha/năm.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Bình, bà con trồng cà rốt trong các tổ hợp tác được chứng nhận lại tiêu chuẩn Việt GAP mỗi năm. Cà rốt trồng có chứng nhận Việt GAP là có thêm một cánh cửa để mở vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng rau sạch, cung cấp cho thị trường dưới thương hiệu cà rốt Việt GAP Đà Lạt. Đồng thời, trồng cà rốt tuy thu nhập không đột biến nhưng đều đặn, lại rất dễ canh tác. Việc trồng cà rốt theo Việt GAP vừa mang lại uy tín cho cà rốt Đà Lạt, vừa giữ gìn môi trường sinh thái, loại bỏ các loại phân ảnh hưởng lâu dài tới đất như phân xác mắm, phân bò khô. Xuân Thọ đang tiếp tục thu hút thêm nông dân vào các tổ sản xuất cà rốt Việt GAP, xây dựng thương hiệu cho loài củ đặc sản của đất ngoại ô phố núi.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202210/xay-dung-vung-ca-rot-sach-ngoai-o-3137804/