Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh: Tiền đề mở rộng thị trường xuất khẩu
Việt Nam đã xuất khẩu (XK) chính ngạch sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 nước trên thế giới, dự báo, khả năng mở rộng thị trường còn rất lớn. Việc 'bắt tay' giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để XK sẽ là tiền đề quan trọng để nắm bắt cơ hội này.
Sự hợp tác của ba nhà
Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã ký Thỏa thuận hợp tác "Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để XK, giai đoạn từ năm 2019 - 2022". Sự hợp tác này hướng đến mục tiêu xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng như đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Từ đó, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu của quốc tế về XK.
Trong quá trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Cục Thú y đóng vai trò là cơ quan quản lý, đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc thiết kế và thực hiện các quy trình an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc theo đúng tiêu chuẩn của OIE, yêu cầu của châu Âu và các nước khác…
Về phía tỉnh Tây Ninh, Sở NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia súc. Đồng thời, triển khai công tác kiểm tra, giám sát, củng cố mạng lưới thú y cơ sở nhằm thực hiện giám sát, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ việc tiêm phòng và giám sát phòng chống dịch bệnh…
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển Vinamilk - cho biết, trên địa bàn huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Vinamilk hiện có 1 trang trại bò sữa theo chuẩn Global GAP có quy mô lên đến 8.000 con bò, bê sữa, được ứng dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh việc ký hợp đồng thu mua bắp, cỏ làm thức ăn cho bò, thu mua sữa từ các nông hộ hợp tác, Vinamilk tích cực phối hợp với các hộ dân chăn nuôi bò sữa có hợp tác với công ty để thực hiện công tác đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Đây là tiền đề thuận lợi để nhân rộng ra các vùng đệm lân cận và hướng đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Hướng đến mở rộng xuất khẩu
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch XK sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 129,68 triệu USD năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch XK sữa đạt 48,6 triệu USD. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho rằng, trong tương lai khả năng mở rộng thị trường XK sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa của Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, ngày 26/4/2019 Nghị định thư về XK sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam XK vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Để mở rộng thị trường XK sữa của Việt Nam trong thời gian tới, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành có thể kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu sữa đầu vào, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe của thị trường.
Dự kiến, đến tháng 12/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh cho huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Khi được xây dựng thành công, đây sẽ là hình mẫu để tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu xây dựng đối với các địa phương có ngành chăn nuôi bò sữa.
Ông NguyễnQuốc Khánh - Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển Vinamilk:
Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Việt Nam, Vinamilk phối hợp cùng địa phương trong công tác chuyên môn và hướng dẫn hộ chăn nuôi, từng bước xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh xung quanh trang trại được OIE công nhận.