Xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả và hiệu quả bước đầu
Từ khi triển khai đến nay, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Đề án) bước đầu giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
“Điểm tựa” để phát triển cây ăn quả
Những năm gần đây, một số vùng cây ăn quả mới được hình thành tại vùng ĐTM của tỉnh Long An, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả.
Loại cây ăn quả chuyển đổi chủ yếu trên địa bàn các huyện ĐTM là mít, sầu riêng, xoài, bưởi, chanh,... với diện tích gần 4.100ha, trong đó diện tích trồng mít, sầu riêng, xoài là hơn 2.300ha, định hướng phát triển đến năm 2025 là hơn 3.900ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan cho biết: “Việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế, sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu sự hợp tác. Tỷ lệ sản lượng trái cây tiêu thụ thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) còn thấp.
Ngoài ra, công nghệ sau khi thu hoạch, chế biến, bảo quản trái cây chưa thật sự được quan tâm nên tổn thất sau thu hoạch còn khá cao làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá sản phẩm,...”.
Do vậy, việc thực hiện Đề án là cần thiết, khi mục tiêu chung của Đề án là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cây ăn quả quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; đồng thời, phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX, yêu cầu về chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ;...
Theo Đề án, huyện Thạnh Hóa được giao chỉ tiêu xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 770ha vào năm 2025. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Huyện đã quy hoạch khu vực có thổ nhưỡng phù hợp để triển khai, thực hiện (thuộc xã Tân Hiệp); đồng thời, nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX để đầu tư các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng. Đến tháng 02/2024, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trong vùng Đề án với diện tích sầu riêng gần 78ha, mít hơn 81ha và chanh gần 560ha.
Hiện nay, huyện đã được đầu tư xây dựng 1 nhà kho sơ chế mít tại HTX Nông nghiệp ấp 4 (xã Tân Hiệp) với diện tích 250m2 và đang thi công hoàn thiện công trình Đầu tư nâng cấp và cải tạo đường bờ Nam kênh 61; đồng thời, Tổ khuyến nông cộng đồng vùng cây ăn quả đã tổ chức các hội thảo, tập huấn,... liên quan đến các kiến thức trồng cây ăn quả phù hợp với địa phương để nông dân áp dụng vào thực tế khu vườn nhà mình.
Chuyển sang trồng mít được khoảng 2 năm nay, anh Nguyễn Bảo Du (ấp 2, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nhưng lợi nhuận không cao nên quyết định chuyển sang trồng mít, hiện có khoảng 1.000 gốc. Mít dễ trồng, ít bị sâu, bệnh, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, quả to và nhiều.
Nhờ thực hiện Đề án, địa phương được hỗ trợ cơ sở vật chất, đường sá nên mỗi lần thu hoạch thuận tiện cho thương lái vào thu mua, từ đó không còn bị tình trạng “ép giá” như trước”.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX, Tổ khuyến nông cộng đồng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất vùng nguyên liệu cây ăn quả. Huyện sẽ tổ chức thêm những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm giúp nông dân có cơ hội tiếp cận kỹ thuật trồng, nhất là đối với cây sầu riêng, từ đó lựa chọn những phương pháp canh tác phù hợp với thổ nhưỡng địa phương” - ông Nguyễn Kinh Kha thông tin thêm.
Hỗ trợ tích cực cho nông dân
Huyện Tân Thạnh được giao chỉ tiêu xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 3.500ha vào năm 2025, trong đó diện tích trồng riêng sầu riêng là 120ha. Hiện nay, huyện có khoảng 200ha sầu riêng nhưng diện tích cho trái chưa nhiều.
Để thích ứng với đất phèn, những năm qua, người dân lên liếp, đắp mô cho cây, mỗi mô đất cao từ 1-2m. Nếu chăm sóc tốt, 1ha sầu riêng cho từ 8-10 tấn trái trong vụ đầu và sẽ tăng theo tuổi của cây.
Thực hiện Đề án, nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và quản lý sâu, bệnh trên sầu riêng được tổ chức giúp nông dân có thêm kiến thức canh tác.
Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) bộc bạch: “Khi có những lớp tập huấn như thế, nông dân ở đây ai cũng hào hứng để có thêm nhiều kiến thức áp dụng cho vườn nhà mình. Nhiều thương lái khi thu mua đánh giá sầu riêng Tân Thạnh rất thơm, ngon”.
Điều kiện để trái sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch là có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp UBND huyện Tân Thạnh xây dựng 3 mô hình thâm canh cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Lập; xây dựng 3 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 68,7ha.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, tại xã Tân Lập đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường bờ kênh 1000 Nam để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp. Hai bên bờ kênh được bêtông hóa kiên cố, xe tải 2,5 tấn di chuyển dễ dàng, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển trái cây sau thu hoạch. Nơi đây sẽ được xây dựng để trở thành khu du lịch sinh thái.
Được biết, thực hiện Đề án, huyện Tân Thạnh đã được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến trái cây. Điển hình như Sở Công Thương đã hỗ trợ 1 máy sấy trái cây cho HTX Nông nghiệp, Sản xuất - Thương mại Hoàng Anh với kinh phí hơn 700 triệu đồng; thực hiện 2 mô hình Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây ăn trái, quy mô 0,5ha/mô hình, nhằm trình diễn ứng dụng biện pháp tưới tiên tiến, cung cấp đủ và kịp thời nhu cầu nước cho cây ăn trái, đặc biệt là trong mùa khô tại xã Tân Lập và xã Nhơn Hòa Lập.
Theo bà Hồ Thị Ngọc Lan, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trong vùng Đề án đạt hơn 10.500ha, trong đó diện tích trồng mít hơn 3.500ha, xoài hơn 700ha, sầu riêng 340ha, còn lại hơn 6.000ha các loại cây ăn quả khác (bưởi, chuối, mãng cầu,...). Được biết, tính đến hết năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả trong vùng Đề án là hơn 5.300ha (diện tích trồng sầu riêng 519ha, mít trên 2.620ha và xoài hơn 220ha, còn lại 2.000ha chủ yếu là khóm, chanh, bưởi,...), đạt hơn 50,4% kế hoạch diện tích đến năm 2025./.