Xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao
Thực hiện kế hoạch về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP) nâng cao giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở nội dung bộ tiêu chí, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các xã, phường hoàn thành các nội dung để đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Dựa vào các nhóm tiêu chí cùng tình hình thực tế tại địa phương, huyện Hoằng Hóa thành lập ban chỉ đạo để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ; đôn đốc, hỗ trợ các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn thực hành ATTP; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATTP; phát động tháng hành động về ATTP...
Hằng năm, huyện cũng chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, thực hành về ATTP cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân liên quan về quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu dùng thực phẩm an toàn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia thực phẩm... đúng quy trình; vận động các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), hệ thống quản lý ATTP... trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh việc đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện các tiêu chí, huyện Hoằng Hóa luôn nghiêm túc quản lý các cơ sở trong quá trình sản xuất, kinh doanh; giám sát truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, đảm bảo 100% sản phẩm động vật từ các cơ sở giết mổ được đóng dấu kiểm soát giết mổ, 95% trở lên các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ...; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn trong việc duy trì tiêu chí xã ATTP sau khi được công nhận và tổ chức các đoàn kiểm tra về ATTP, nhất là trong các đợt Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tháng hành động về ATTP...
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa Lê Trọng Hòa, cho biết: Hằng năm từ các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã cung ứng ra thị trường khoảng 30 nghìn tấn lúa gạo, rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với nhóm tiêu chí giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm được địa phương xác định là tiêu chí khó thực hiện nhất thì huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục, giao cho các địa phương tổ chức giám sát ATTP tại những bữa cỗ có từ 30 người trở lên; định kỳ lấy mẫu giám sát từ các sản phẩm đang lưu thông trên địa bàn...
Năm 2024, huyện Hoằng Hóa xây dựng các xã Hoằng Phú, Hoằng Phong, Hoằng Ngọc đạt tiêu chí xã ATTP nâng cao. Đến nay, các xã đã hoàn thành các chỉ tiêu và được Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh thẩm định hồ sơ và đánh giá đủ điều kiện, đảm bảo các tiêu chí của xã ATTP nâng cao.
Sau khi được công nhận xã ATTP nâng cao vào năm 2022, xã Bắc Lương (Thọ Xuân) vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các tiêu chí; tuyên truyền đến người dân về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các điều kiện bắt buộc đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, tổ giám sát định kỳ lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra các loại chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, duy trì các mô hình như: Chuỗi thực phẩm an toàn, lò giết mổ tập trung, chợ thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể an toàn, chăn nuôi không sử dụng chất cấm, sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP... Tại khu vực chợ, địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các ki-ốt, hàng hóa được bày bán đúng nơi quy định, tiểu thương có ý thức không vứt rác, rau, thực phẩm dư thừa bừa bãi...
Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân xã Bắc Lương cho biết: "Sau khi tham gia các buổi tập huấn về ATTP do xã tổ chức, khi đi chợ tôi đã chú trọng lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, không có mùi lạ, rau củ có màu sắc tự nhiên... Các tiểu thương ở chợ cũng đã có ý thức bán các loại mặt hàng thực phẩm sạch nên chúng tôi cũng dễ dàng lựa chọn hơn".
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP có thể xem là giải pháp cốt lõi để quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu nguyên liệu, nơi sản xuất. Vì vậy, Văn phòng Điều phối vệ sinh ATTP tỉnh và các sở, ngành liên quan, các địa phương đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí còn lại nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP nâng cao theo kế hoạch đã đề ra; bảo đảm sự bền vững các tiêu chí, bảo vệ sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, các địa phương còn gặp một số khó khăn trong việc duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng tập trung đông người.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-xa-an-toan-thuc-pham-nang-cao-232680.htm