Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Đó là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021 (từ ngày 17 - 22.5) và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22.5.1946 - 22.5.2021)...

Thiên tai luôn để lại hậu quả nặng nề

Trận "đại hồng thủy" năm 1999 gây ra hậu quả rất nặng nề và lâu dài đối với xã hội, kinh tế, môi trường của 10 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi: Toàn tỉnh có 108 người chết, 215 người bị thương, hơn 17 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về kinh tế trên 500 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổ hợp bão lũ xảy ra đã làm 33 người chết, 2 người mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước 4.465 tỷ đồng. Mười năm sau, năm 2020, cơn bão số 9 với cường độ gió giật cấp 13, kèm mưa lớn đã gây tổn thất vô cùng nặng nề cho người dân trong tỉnh, với tổng thiệt hại về kinh tế ước 4.850 tỷ đồng.

Đội Xung kích phòng, chống thiên tai xã Hành Đức (Nghĩa Hành) giúp người dân kê gác tài sản, ứng phó với lũ lụt năm 2020.

Bão lũ trôi qua, chính quyền các cấp và người dân, cộng đồng xã hội chung sức đồng lòng khắc phục. Nhưng, “vết tích” của bão số 9 năm 2009, bão số 9 năm 2020 vẫn chưa thể phai mờ khi vẫn còn nhiều ngôi nhà, công trình bị hư hỏng nặng; tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông bờ biển ngày càng nghiêm trọng... khiến người dân ở các khu vực thấp trũng, vùng núi ven biển lo lắng.

“Sống hơn nửa đời nhưng tôi chưa từng thấy cơn bão nào dữ dội như bão số 9 năm 2020. Gió to mưa lớn, sóng biển đập dữ dội và chồm lên nóc nhà. Giờ mà nghe mưa lớn, là tôi lại dắt con vào xóm trong ở nhờ chứ không dám ở nhà”, ông Phạm Văn Thảo, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết.

Bài học ứng phó

Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy (BCH) PCTT&TKCN tỉnh, thiên tai diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan, dị thường, nhưng thiệt hại về người và kinh tế được giảm xuống mức thấp. Từ năm 1996 - 2020, thiên tai làm 718 người chết, mất tích và 1.688 người bị thương; hàng trăm nghìn ngôi nhà và nhiều công trình thủy lợi, giao thông, y tế, trường học... bị sập, hư hỏng, nước cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại kinh tế ước gần 18.850 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2013 - 2020, tuy có thiệt hại về kinh tế, nhưng không xảy ra thiệt hại về người.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đánh giá: Kết quả trên là nhờ sự chủ động ứng phó của người dân và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Nhất là chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức PCTT cho cộng đồng, người dân qua nhiều hình thức, đặc biệt là việc nhắn tin cảnh báo thiên tai đến thuê bao di động; xây dựng phương án PCTT cụ thể cho từng vùng, địa phương theo phương châm “4 tại chỗ; bố trí phương tiện và lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố thiên tai...

Một trong những “điểm sáng” trong ứng phó với thiên tai chính là “đội xung kích phòng chống thiên tai” ở các địa phương. Xác định lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất, nên khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương lập tức kích hoạt đội xung kích này để chủ động tham gia vào công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, như: Hỗ trợ người dân kê gác tài sản, chằng chống nhà cửa, hoặc di dời và sơ tán dân... góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, nhất là trong những đợt mưa to bão lớn trong các năm 2013, 2017, 2019, 2020. Hiện, toàn tỉnh có 24 đội xung kích PCTT cấp xã, phường, thị trấn thuộc TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn, theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Trong giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư thực hiện các công trình PCTT, như kiên cố đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; sửa chữa, nâng cấp 10 hồ chứa nước; sửa chữa và nâng cao an toàn đập; nâng cấp hệ thống thủy lợi Thạch Nham; xây dựng đập ngăn mặn; kiên cố hóa hệ thống kênh mương...

Theo lịch sử ghi chép, con đê đầu tiên ở nước ta được hình thành từ thời Hai Bà Trưng, ở đầu thế kỷ thứ nhất, năm 40 sau công nguyên. Trong suốt thời kỳ phong kiến, đê là biện pháp chủ yếu để chống lũ, nhưng mức độ bảo đảm còn thấp. Từ sau Cách mạng Tháng tám thành công, công tác hộ đê phòng lụt được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền cách mạng đã bắt tay khắc phục hậu quả của trận lũ lụt tháng 8.1945. Ngày 22.5.1946, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202105/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai-3058431/