Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, trong sạch

Những năm qua, tình hình kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia đã và đang có những dấu hiệu ngày càng trở nên phức tạp... Tham nhũng vẫn là một trong nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Vì vậy, việc tham mưu, hiến kế cho Đảng đưa ra những chủ trương, biện pháp trong thời gian tới để xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, trong sạch là vấn đề mang tính chiến lược sâu sắc.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng tuần tra, kiểm soát trên sông Bằng Giang. Ảnh: Quang Long

Tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng tuần tra, kiểm soát trên sông Bằng Giang. Ảnh: Quang Long

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới thẳng thắn chỉ rõ một số mặt còn bất cập về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó có đoạn nêu rõ: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa sát, thiếu chủ động. An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật sự vững chắc, còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; xử lý một số tình huống phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp...”.

Ở địa bàn khu vực biên giới, trong những năm qua và hiện nay, hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người... diễn ra rất phức tạp; các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ và vận chuyển đi nước thứ 3 với số lượng ngày càng lớn. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tuy đã được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhất là hàng cấm, hàng chiến lược như: Xăng dầu, khoáng sản, lâm sản, thuốc lá, đường, pháo và hàng tiêu dùng khác.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng chức năng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng làm nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Ba là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ các yếu tố kinh tế - xã hội.

Bốn là, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức. Nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ án, tập trung điều tra các vụ án rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận...

Năm là, rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác phòng chống tội phạm, kịp thời đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Mặt khác, cũng trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nạn tham nhũng bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự quản lý của Nhà nước được nâng lên.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Kết quả quan trọng này góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; hiện tượng hối lộ, bôi trơn hoặc tác động bằng hình thức khác để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc còn xảy ra; một số cơ chế chính sách thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, thực thi pháp luật có lúc chưa nghiêm...

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp:

Thứ nhất là, giữ vững nền tảng tư tưởng, thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên trong từng giai đoạn cách mạng. Coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai là, hoàn thiện chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba là, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, phát huy nhân tố con người, sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện quyết liệt đột phá chiến lược, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khâu đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; bảo đảm chế độ, thu nhập thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.

Thứ tư là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao. Chú trọng phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tội phạm tham nhũng, nhất là giải pháp kê khai, công khai, minh bạch tài sản; thanh toán không dùng tiền mặt và thu hồi tài sản tham nhũng.

Đổi mới công tác xây dựng báo cáo phòng, chống tham nhũng theo hướng: Làm rõ “phần nổi” của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng gồm bốn thông số: Mức độ, diễn biến, cơ cấu, tính chất; nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và giải pháp khắc phục. Làm rõ “phần chìm” của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, nguyên nhân “chìm ẩn” của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng. Dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng trong thời gian tới.

Thứ năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ trong các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Thực hiện nghiêm việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, quản lý bản kê khai tài sản; xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai hoặc kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai. Xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án về hình sự.

Đại tá Hoàng Ngọc Tuyển, Chủ nhiệm Chính trị Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-xa-hoi-trat-tu-ky-cuong-trong-sach-post436139.html