Xây dựng xe buýt văn minh, thân thiện từ bộ quy tắc
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) ban hành bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt. Bộ quy tắc ứng xử này được xây dựng hướng tới nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt.
Ứng xử văn hóa trên xe buýt
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt Thủ đô, xây dựng văn hóa xe buýt “An toàn - Văn minh - Thân thiện”, Transerco đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt”.
Bộ quy tắc ứng xử này được xây dựng hướng tới nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt, qua đó chung tay xây dựng văn hóa xe buýt ngày càng gần gũi, văn minh hơn với người dân Thủ đô.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện lãnh đạo Transerco cho biết: “Đoàn Thanh niên của Transerco đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên của Tổng công ty triển khai dán Market Bộ quy tắc ứng xử trên 84 tuyến của 7 xí nghiệp hoạt động VTHKCC trực thuộc Tổng công ty, 23 nhà chờ BRT và tại một số bến xe: Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Gia Lâm, Bến xe Yên Nghĩa, Bến xe Sơn Tây, Bến xe Đan Phượng. Với hình thức trên, Bộ quy tắc ứng xử dành cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt của Transerco đã tiếp cận được với đông đảo hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt thuộc các tầng lớp cũng như độ tuổi khác nhau”.
Chị Trần Thu Hiền, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt số 32 chia sẻ: “Tôi rất đồng ý và ủng hộ nội dung của Bộ quy tắc ứng xử. Nghe trên báo, đài tuyên truyền về văn minh trên xe buýt nhưng chúng tôi cũng không hình dung ra lắm là phải như thế nào. Nay có những thông tin này thì chúng tôi sẽ chấp hành và phối hợp với nhân viên nhà xe khi xe hoạt động trên tuyến”.
Anh Nguyễn Quốc Hùng, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội thường xuyên di chuyển trên tuyến xe buýt số 02 cho biết: “Tổng Công ty tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử này trên xe buýt rất phù hợp với tình hình hiện nay. Những người thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển chính như chúng tôi cũng muốn hình ảnh xe buýt tốt lên, để hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông”.
Xây dựng văn hóa xe buýt từ cái tâm
Ở Transercco, văn hóa ứng xử của đội ngũ công nhân viên phục vụ trên xe buýt không chỉ đơn giản ở việc chấp hành đúng nội quy, quy định mà quan trọng hơn xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm với công việc của mỗi người.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên phục vụ trên xe buýt tuyến số 06E cho biết: “Khi Tổng Công ty triển khai Bộ quy tắc ứng xử này, tôi và các anh em trong tuyến rất vui vì công việc hàng ngày của chúng tôi từ nay sẽ được thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành hơn từ hành khách. Chúng tôi sẽ chấp hành và cố gắng hết mình để mang tới những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho hành khách đi xe”.
Hành khách và những công nhân viên phục vụ trên xe buýt luôn có mối tương tác trong suốt hành trình xe chạy trên tuyến. Vì vậy, không thể chỉ nói đến văn hóa người phục vụ mà bỏ qua văn hóa của hành khách. Do vậy, để xây dựng văn hóa xe buýt, rất cần sự thay đổi ý thức của mỗi cá nhân, sự chung tay của tất cả mọi người.
Đại diện lãnh đạo Transerco chia sẻ: “Với quyết tâm lan tỏa những điều tích cực, xây dựng nét đẹp văn hóa xe buýt Transerco, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt để Bộ quy tắc ứng xử trên xe buýt hoàn thành sứ mệnh “Lan tỏa những điều tốt đẹp” và xây dựng văn hóa xe buýt “An toàn - Văn minh - Thân thiện”, để xe buýt Transerco thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của mọi người dân Thủ đô. Và quan trọng nhất, đi xe buýt chính là một hành động thể hiện tình yêu với Hà Nội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và cho chính cuộc sống của chúng ta hôm nay, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-xe-buyt-van-minh-than-thien-tu-bo-quy-tac.html