'Xây dựng xuất bản thành ngành công nghiệp nội dung hiện đại'

Trong 5 năm tới, ngành xuất bản hướng tới mục tiêu phát triển chất lượng, khơi nguồn tri thức, trở thành ngành công nghiệp nội dung.

Sáng 17/3, hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2021 diễn ra tại TP.HCM. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông (Cục) - chia sẻ về những mục tiêu, giải pháp phát triển ngành sách trong 5 năm tới.

Phát triển số lượng đi đôi với chất lượng sách

- Tại hội nghị, Cục đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021. Xin ông chia sẻ quan điểm phát triển ngành xuất bản ở tầm nhìn xa hơn?

- Định hướng giai đoạn 2021-2025 là xây dựng ngành xuất bản thành một ngành công nghiệp nội dung hiện đại, thực hiện sứ mệnh nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức, thúc đẩy tiến bộ xã hội, góp phần khơi dậy và thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.

Quan điểm phát triển là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư công kết hợp thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển lĩnh vực xuất bản.

Nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, bảo đảm phát triển về số lượng sách, cân đối cơ cấu các loại xuất bản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ, kết hợp phát triển xuất bản truyền thống với việc đẩy mạnh phát triển xuất bản phẩm điện tử.

- Trong định hướng tổng quan đó, những mục tiêu mà ngành sách hướng tới là gì?

- Có nhiều mục tiêu, nhưng cụ thể là đến 2025, phải đưa tỉ lệ sách/người đạt 5,5 đến 6 bản trong một năm. Trong đó, xuất bản phẩm điện tử chiếm 15%. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3 nền xuất bản hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Quỳnh Trang.

- Theo ông, các nhà xuất bản, doanh nghiệp sách cần thực hiện nhiệm vụ gì để phát triển?

- Thách thức luôn đi cùng cơ hội. Bước sang năm 2021, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của Covid-19, mức độ phức tạp, nhanh, khó lường. Trước thách thức ấy, nhà xuất bản cần tìm cơ hội đổi mới, thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh để phát triển trong giai đoạn mới.

Thực tế cho thấy cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, toàn cầu hóa, ảnh hưởng Covid-19… đã làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của mỗi người; buộc mỗi ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp, tổ chức, mỗi cá nhân phải thích ứng, thích nghi với sự phát triển.

Nhà xuất bản, phát hành phải biến thách thức thành cơ hội, lấy việc xuất bản sách chất lượng cao làm trọng tâm, lấy thu hút nguồn lực xã hội làm động lực chính cho sự phát triển. Mỗi đơn vị xuất bản, phát hành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Tăng cường truyền thông, quảng bá, coi truyền thông quảng bá là một phần quan trọng của công tác xuất bản.

Các nhà xuất bản phải nâng cao năng lực hoạt động, phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, đủ năng lực dẫn dắt thị trường, tiến tới hình thành một thị trường xuất bản năng động, lành mạnh và chất lượng.

 Tăng cường ứng dụng công nghệ, xây dựng các nền tảng cho công tác xuất bản, phát hành là những việc ngành sách sẽ làm trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tăng cường ứng dụng công nghệ, xây dựng các nền tảng cho công tác xuất bản, phát hành là những việc ngành sách sẽ làm trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Trang.

Xây dựng nền tảng công nghệ cho xuất bản

- Có nhiều nhiệm vụ được đề ra. Vậy Cục Xuất bản sẽ thực hiện những giải pháp gì để hiện thực hóa những mục tiêu ấy?

- Cục Xuất bản sẽ hoàn thiện thể chế, có những đề xuất sửa đổi luật, nghị định, xây dựng các chương trình, đề án… để tạo động lực phát triển. Xây dựng và sắp xếp lại mạng lưới các nhà xuất bản theo hướng thu gọn đầu mối, chuyển đổi mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng các đề án phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm.

Đặt hàng những xuất bản phẩm có giá trị cao, quan trọng phục vụ phát triển đất nước. Tăng cường quản lý hoạt động liên kết xuất bản, xử lý nghiêm sai phạm. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nghệ đầu tư phát triển phần mềm.

Cục sẽ phối hợp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình phương thức đào tạo, bồi dưỡng; xuất bản chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.

- Cục Xuất bản, In và Phát hành quan tâm thế nào tới phát triển văn hóa đọc?

- Chúng ta tiếp tục thực hiện Ngày Sách Việt Nam 21/4 trên phạm vi cả nước; huy động tối đa nguồn nhân lực của nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng hệ thống tủ sách, thư viện sách cộng đồng.

Bên cạnh đó, Cục đang cùng các đơn vị tham mưu để Việt Nam tham gia và trở thành khách mời danh dự tại Hội chợ sách Frankfurt; nghiên cứu đưa Hà Nội thành Thủ đô sách thế giới trong thời gian tới; nghiên cứu tổ chức định kỳ hội sách quốc tế tại Việt Nam, làm cầu nối giữa thị trường trong nước và thế giới.

- Ông có thể giải thích thêm về ngành công nghiệp nội dung mà ngành sách hướng tới?

- Bản chất ngành công nghiệp là hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm tạo ra trở thành hàng hóa.

Muốn trở thành ngành công nghiệp trong chiến lược chung về phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã được Đảng khẳng định, xuất bản cần phát triển quy mô trên nền tảng ứng dụng công nghệ và khai thác nội dung sách, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế hoạt động xuất bản.

Chúng ta đang có thị trường xuất bản của gần 100 triệu dân. Một nền kinh tế mở với quan hệ thương mại rộng khắp nhiều khu vực, quốc gia. Chúng ta đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển xuất bản thành ngành công nghiệp.

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên

Trong ngành công nghiệp nội dung, các đơn vị xuất bản không chỉ đơn thuần làm và kinh doanh sách mà cần đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ nội dung, thực hiện các hoạt động kinh doanh sản phẩm từ sách. Điều này được các nước trên thế giới ứng dụng nhiều, chúng ta cũng đã thực hiện nhưng cần phải phát triển hơn nữa.

Chúng ta đang có thị trường xuất bản của gần 100 triệu dân. Một nền kinh tế mở với quan hệ thương mại rộng khắp nhiều khu vực, quốc gia. Chúng ta cũng là một quốc gia ghi nhận đi đầu ứng dụng các công nghệ truyền thông, đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển xuất bản thành ngành công nghiệp.

- Ngành xuất bản sẽ thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ra sao?

- Có nhiều công việc cần làm để chuyển đổi số trong xuất bản, từ phát triển các sản phẩm xuất bản điện tử (sách nói, sách thực tế ảo…) đến đưa công nghệ vào sâu trong quy trình xuất bản, phát hành và cả quy trình quản lý xuất bản.

Theo đó, những công việc trước mắt cần đẩy mạnh như xây dựng một nền tảng (platform) chung để phát triển xuất bản điện tử và quản lý quy trình xuất bản; triển khai các phần mềm đưa AI vào hỗ trợ công tác biên tập, phát triển các sàn thương mại sách điện tử... Xa hơn, sẽ là câu chuyện của nhà xuất bản số.

Thu Hiền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xay-dung-xuat-ban-thanh-nganh-cong-nghiep-noi-dung-hien-dai-post1193937.html