Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ - Bài 2: Nhà máy tư nhân mòn mỏi… qua ngày

Bên cạnh các dự án có nguồn vốn nhà nước, chương trình sản xuất xăng sinh học E5 còn có sự 'vào cuộc' của khối tư nhân. Trong đó phải kể đến các nhà máy: Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân (Quảng Nam); Tùng Lâm (Đồng Nai); Đại Việt (Đắk Nông); Đắk Tô (Kon Tum). Vốn đầu tư mỗi nhà máy vài trăm tỷ đồng, nhưng hiện số phận các nhà máy này cũng khác nhau, có nơi ngừng hoạt động, có nơi sống mòn mỏi, bị bêu tên nợ thuế...

Bán nợ vẫn chưa hết nợ

Gần đây, dư luận thị trường chứng khoán rộ lên thông tin về việc bán nợ của nhà máy sản xuất cồn phục vụ xăng E5 của Công ty TNHH Đại Việt (Công ty Đại Việt) sau thời gian dài đóng cửa, bỏ hoang. Bên mua là Công ty CP Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC). Thương vụ đã khép lại một khoản nợ xấu sau nhiều năm ngân hàng rao bán. Tuy nhiên, để tìm hiểu xem liệu sau thương vụ này, nhà máy ethanol của Công ty Đại Việt có hoạt động, chúng tôi đã tìm về Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông (nơi đặt nhà máy). Nhìn từ trên cao có thể thấy, nhiều hạng mục của nhà máy đã xuống cấp, các nhà xưởng, lò hơi bị gỉ sét do không hoạt động trong thời gian dài, không được duy tu, bảo dưỡng.

Theo thông tin chúng tôi có được, năm 2007, Công ty Đại Việt thuê hơn 13ha đất KCN Tâm Thắng để xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi cao cấp và sản xuất cồn công nghiệp. Đến năm 2010, Công ty Đại Việt tiếp tục thuê thêm đất tại lô CN15 của KCN Tâm Thắng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy cồn... Tuy nhiên, quá trình hoạt động không hiệu quả, nhiều năm liền bị thua lỗ, đặc biệt giá cồn xuống thấp nên nhà máy phải ngừng hoạt động. Mãi đến năm 2015, Công ty Đại Việt mới khắc phục được các khó khăn và tổ chức sản xuất, kinh doanh trở lại, nhưng nhà máy sản xuất cồn công nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 10%-15% công suất thiết kế. Do nhiều năm liền hoạt động không hiệu quả, Công ty Đại Việt lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không chi trả được các khoản nợ đã đầu tư vào dự án.

 Nhà máy Ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hiện đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Nhà máy Ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hiện đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Đến năm 2019, Ngân hàng Agribank Đắk Nông kê biên và phát mãi tài sản của Công ty Đại Việt nhằm đảm bảo thu hồi số tiền công ty đã vay. Việc phát mãi bán tài sản sau nhiều phiên đấu giá vẫn không có người mua. Mới đây, một lãnh đạo Ngân hàng Agribank Đắk Nông cho biết, Công ty Đại Việt tại Hà Nội và Đắk Nông đã vay của 2 chi nhánh Agribank tổng số tiền tính cả gốc và lãi hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi nhánh Agribank Đắk Nông, Công ty Đại Việt nợ gần 150 tỷ đồng. Do Công ty Đại Việt không trả nợ nên ngân hàng phải phát mãi tài sản để thu hồi lại khoản tiền đã cho vay.

“Qua tổ chức đấu giá, đầu tháng 4 năm nay, Công ty CP Hóa chất Đức Giang đã mua lại tài sản của Công ty Đại Việt hơn 253 tỷ đồng. Với số nợ còn lại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thỏa thuận với lãnh đạo Công ty Đại Việt để có hướng xử lý tiếp theo”, lãnh đạo Ngân hàng Agribank Đắk Nông thông tin thêm. Việc mua bán này cũng được ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hóa chất Đức Giang, xác nhận tại đại hội cổ đông vừa qua.

Sống mòn, chết mòn

Trong khối tư nhân tham gia vào chương trình sản xuất xăng E5 còn có Công ty TNHH Tùng Lâm (địa chỉ giao dịch tại số 58 Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Năm 2008, Công ty TNHH Tùng Lâm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn từ sắn lát có diện tích hơn 350.000m2, công suất 72 triệu lít/năm, nằm sát sông Gia Ui (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) với tổng mức đầu tư hơn 296,53 tỷ đồng. Những ngày qua, chúng tôi đã tìm đến nhà máy tìm hiểu và nhận thấy, nhà máy nằm tách biệt với khu dân cư trong vùng, trong khuôn viên có ít phương tiện vận chuyển hàng hóa. Một lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Công ty hoạt động cầm chừng, nghe đâu do thiếu nguyên liệu”.

Lùi lại 16 năm về trước, Công ty TNHH Tùng Lâm với ngành nghề là xuất khẩu nông sản, đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn từ sắn lát. Lúc đó, dự án được kỳ vọng làm tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường và chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong giai đoạn đầu, dự án xác định thị trường tiêu thụ là Trung Quốc, nhưng khi việc dùng xăng pha cồn tại Việt Nam được triển khai, toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được chuyển sang tiêu thụ nội địa. Nhà máy hoạt động cần khoảng 200.000 tấn mì tươi/năm nhưng sản lượng của huyện Xuân Lộc chỉ có 175.000 tấn, nên phải tìm thêm nguồn nguyên liệu ở những vùng phụ cận của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Trong quá trình hoạt động, công ty nhiều lần điều chỉnh tăng giá bán ethanol, nhưng đến nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng và đang tập trung sản xuất cồn y tế cùng một số ngành nghề khác để duy trì hoạt động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, Công ty TNHH Tùng Lâm liên tục bị Cục Thuế Đồng Nai “bêu tên” vì nợ thuế. Tháng 9-2022, công ty nợ 98,1 tỷ đồng tiền thuế và Cục Thuế Đồng Nai đã có công văn yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc công ty để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tính đến ngày 31-1-2024, công ty đứng đầu danh sách nợ thuế của tỉnh Đồng Nai với số nợ hơn 110 tỷ đồng, bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ.

Tại miền Trung, Nhà máy ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã đi vào hoạt động hơn 13 năm. Đến nay, dù chuyển đến đời chủ sở hữu thứ 3 nhưng nhà máy vẫn hoạt động… èo uột! Nhà máy được vận hành từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, nhà máy được cho là sản xuất cồn nhiên liệu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 3 nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, sản phẩm chính là cồn dùng pha với xăng truyền thống tạo thành xăng E5. Nhà máy được đầu tư xây dựng trên diện tích 18ha, có công suất 100.000 tấn/năm, tương đương 125 triệu lít/năm. Sau khoảng 2 năm đi vào sản xuất, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ, gặp khó khăn về vốn. Số nợ lúc này lên tới 700 tỷ đồng với chủ nợ là các ngân hàng, đầu mối cung ứng sắn và cung cấp nhiên liệu.

Năm 2015, Công ty TNHH Tùng Lâm đã mua lại nhà máy, và đến năm 2022 tiếp tục chuyển chủ sở hữu sang Công ty CP sản xuất Ethanol Quảng Nam. Hiện nhà máy chủ yếu sản xuất cồn từ bột bắp nhập khẩu. Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty CP sản xuất Ethanol Quảng Nam, chia sẻ, mỗi ngày Nhà máy ethanol Đại Tân sản xuất 400-450 tấn bột bắp nguyên liệu, cho ra được 150 tấn cồn/ngày, tương đương với 180m3. Với công suất sản xuất này, nhà máy không bù đủ chi phí nên bị lỗ vì theo công suất thiết kế nếu hoạt động 100% cần đến 1.300 tấn nguyên liệu/ngày.

“Chúng tôi cố gắng duy trì sản xuất vì nếu dừng liên tục thì khó khăn tài chính cho công ty, hoặc khi cần hoạt động lại sẽ không tuyển được người làm. Năm 2023 và các năm trước đó, nhà máy dừng hoạt động liên tục vì ảnh hưởng nguồn nguyên liệu và sản phẩm bán ra gặp khó khăn do thị trường trong nước cũng như thế giới bị biến động”, ông Phạm Văn Tĩnh cho biết.

Hoạt động tốt nhờ chuyển hướng sản xuất cồn thực phẩm

Ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), cho biết, tại huyện Đăk Tô, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp chế biến cồn là Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) do Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô khá lớn, đầu ra ổn định, mỗi năm đóng thuế cho địa phương khoảng 60-70 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, cho biết, nhà máy xây dựng năm 2009, khoảng 2 năm sau đi vào hoạt động. Dự kiến ban đầu là sản xuất cồn để pha chế làm xăng E5. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, công ty họp lại, đánh giá khả năng rủi ro cao khi làm cồn pha chế xăng, nên sau đó chính thức quyết định chuyển hướng, xin giấy phép sản xuất cồn thực phẩm. Từ khi hoạt động đến nay, công suất chế biến trung bình 7.000-10.000 tấn/năm, ngành nghề sản xuất của nhà máy là cồn thực phẩm chứ không phải cồn pha chế xăng. Công ty sản xuất để bán cho các đơn vị xuất khẩu, hoạt động bình thường, không thua lỗ.

HỮU PHÚC

MAI CƯỜNG - HOÀNG BẮC - NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xang-sinh-hoc-e5-xang-xanh-thanh-dong-no-bai-2-nha-may-tu-nhan-mon-moi-qua-ngay-post748542.html