Xây hậu phương vững chắc nơi biên giới

Nhiều năm gắn bó với đồng bào biên giới thuộc huyện Sốp Cộp (Sơn La), các gia đình quân nhân thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 326, Quân khu 2 luôn coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình để gắn bó, từng ngày dựng xây cuộc sống mới.

Nhắc đến vợ chồng Thượng úy QNCN Nguyễn Tất Hữu, nhân viên quân y Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 2, Đoàn KT-QP 326, bà con ở bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp đều biết đến. Bởi từ lâu, gia đình anh được người dân coi như những người con của bản làng.

Thế nhưng, để có tổ ấm sum vầy hạnh phúc hôm nay, vợ chồng anh Hữu phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Năm 1996, sau khi học xong khóa sơ cấp quân y 9 tháng tại Bệnh viện Quân y 109 (Cục Hậu cần Quân khu 2), Nguyễn Tất Hữu được phân công về công tác tại Lữ đoàn Công binh 543. Chính thời gian này, anh tình cờ gặp gỡ, làm quen rồi kết duyên với cô giáo Hà Bích Thảo, giáo viên Trường THPT huyện Tam Nông (Phú Thọ) trong một lần đơn vị tiến hành công tác dân vận.

 Hạnh phúc của gia đình Thượng úy QNCN Nguyễn Tất Hữu.

Hạnh phúc của gia đình Thượng úy QNCN Nguyễn Tất Hữu.

Đầu năm 2009, Nguyễn Tất Hữu bắt đầu đảm nhiệm công việc mới ở Đoàn KT-QP 326. Từ trung tâm huyện Sông Mã vào đoàn, đường sá đi lại rất khó khăn, công việc lại bộn bề nên một năm anh chỉ đi phép hoặc nghỉ tranh thủ thăm vợ con một vài lần. Chồng công tác xa, trong khi con còn nhỏ, nhiều lần chị Thảo muốn lên thăm chồng nhưng anh đều “viện cớ” bận công tác. Nhưng cuối cùng chị cũng thuyết phục được anh để thu xếp lên đơn vị thăm chồng. Đó là một ngày cuối thu năm 2009. Trong chuyến công tác ấy, chị Thảo phần nào cảm nhận được cuộc sống, công việc của anh ở nơi bản làng giữa chốn "thâm sơn cùng cốc". Thương anh, muốn chia sẻ với anh những khó khăn, vất vả, đầu năm 2010, chị thuyết phục anh và hai bên nội ngoại đưa cả gia đình lên biên giới lập nghiệp.

Khó có thể diễn tả hết những khó khăn mà vợ chồng anh Hữu, chị Thảo phải đối diện trong những ngày đầu mới lên, công việc của chị chưa ổn định, bà con đều là người dân tộc Thái nên khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt. Để ổn định cuộc sống mới, anh chị thuê lại ngôi nhà tranh vách đất ở gần đơn vị. Để giúp vợ sớm hòa nhập với cuộc sống nơi đây, ngoài thời gian công tác ở đoàn, mỗi khi rảnh rỗi, anh Hữu lại tranh thủ dạy chị ngôn ngữ giao tiếp thông thường với bà con bản địa. Mưa dầm thấm lâu, chỉ sau một thời gian, chị Thảo đã có thể giao tiếp và phần nào hiểu được phong tục, tập quán nơi đây. Cuộc sống ổn định hơn khi chị Thảo được tuyển vào dạy ở Trường THPT Sốp Cộp. Năm 2011, chị sinh người con trai thứ hai trên chính mảnh đất Sốp Cộp này.

Giống như hoàn cảnh chị Thảo, năm 2006, chị Đào Thị Lê (vợ của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Nguyên, nhân viên Xí nghiệp 26, Đoàn KT-QP 326) cũng quyết định chuyển từ quê (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) lên Sốp Cộp để gắn bó cùng chồng. Chị bảo: "Cả quê nội, quê ngoại đều ở xa nên khi quyết định lên với chồng, em cũng đắn đo, trăn trở lắm. Cũng may được hai bên gia đình động viên, phân tích rất nhiều nên dù biết trước sẽ khó khăn, gian khổ nhưng em vẫn quyết định lên đây làm hậu phương cho anh ấy". Hạnh phúc gia đình Đại úy QNCN Nguyễn Văn Nguyên được nhân lên khi hai con Nguyễn Khánh Phương, Nguyễn Khánh Toàn đều được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Sốp Cộp. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, anh Nguyên cho biết: "Sau khi cưới nhau được hơn hai tháng, vợ tôi quyết định khăn gói theo chồng lên đây. Vốn là giáo viên ở quê, lên trên này một thời gian ngắn, vợ tôi nộp đơn thi và trúng tuyển vào Trường THPT Sốp Cộp". Ngồi bên cạnh chồng, chị Lê tiếp lời: "Ngày em mới lên, mọi thứ đều bỡ ngỡ và lạ lẫm... nhiều lúc cũng thấy nản. Cũng nhờ các anh cán bộ đoàn động viên nên em quen dần. Tết năm nay, vợ chồng em dự định đưa các cháu về quê đón Tết cùng ông bà nội, ngoại. Mới nghĩ thế thôi, trong lòng em đã thấy nao nao nhớ nơi này và bà con dân bản rồi anh ạ!".

Theo Đại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 326: Hiện nay, đoàn có 10 gia đình quân nhân, trong đó có đến một nửa đưa vợ từ quê lên và một nửa xây dựng hạnh phúc tại địa phương. Biết được nhiều gia đình quân nhân khó khăn về nhà ở, đơn vị đã hỗ trợ một phần kinh phí, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp các gia đình ổn định cuộc sống và tạo điều kiện tốt nhất giúp vợ các đồng chí mới chuyển từ quê lên sớm ổn định công tác.

Lập nghiệp nơi biên giới, mỗi gia đình một hoàn cảnh, một điều kiện sống, song những gia đình quân nhân ở Đoàn KT-QP 326 luôn tự giác thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong tục, tập quán địa phương và luôn coi Sốp Cộp như quê hương thứ hai của mình để gắn bó, dựng xây cuộc sống.

Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-hau-phuong-vung-chac-noi-bien-gioi-606361