Xây 'hệ sinh thái' cho nước mắm tĩn lừng danh

Xuất phát từ niềm thôi thúc tự thân, rằng phải làm sống lại thương hiệu nước mắm lừng danh từng tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, TS. Trần Ngọc Dũng đã thực hiện một quyết định táo bạo khi bán công ty, đặt cược tất cả vào dự án Làng Chài Xưa. Sau 5 năm, những tâm thức quê nhà từng dày vò tâm can người đàn ông mới ngoài 40 tuổi giờ đã nên dạng hình hài, là một 'hệ sinh thái' về nước mắm truyền thống độc đáo mang thương hiệu nước mắm Tĩn, có một không hai ở Việt Nam.

Khi chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện về nước mắm tĩn, thì tin tức Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam vừa được cấp phép hoạt động đã làm cho câu chuyện của ông chủ Làng Chài Xưa về 5 năm cật lực làm sống dậy một thương hiệu nước mắm vang bóng một thời ở quê hương Phan Thiết dường như mặn mà hơn rất nhiều.

Giám đốc dự án Làng Chài Xưa - TS. Trần Ngọc Dũng.

Giám đốc dự án Làng Chài Xưa - TS. Trần Ngọc Dũng.

Những năm gần đây cái tên Trần Ngọc Dũng thường được gắn với Làng Chài Xưa ở Phan Thiết. Điều gì thôi thúc anh thực hiện dự án này?

Giám đốc dự án Làng Chài Xưa - TS. Trần Ngọc Dũng: Cách đây 300 năm đã có cái tên nước mắm tĩn. Nước mắm tĩn gắn liền với bước chuyển từ kỹ nghệ ủ chượp nhỏ lẻ của người Chăm sang sản xuất lớn trong thùng lều gỗ của những làng chài lập bởi người Kinh di dân vào Phan Thiết. Dấu ấn đặc biệt là phát kiến tạo ra tĩn gốm, cách người Chăm gọi cái hũ nhỏ, mắm rin chiết từ thùng lều cho vào, xách bằng dây thừng bện, chở bằng ghe bầu từng một thời bán chạy khắp Việt Nam. Nước mắm tĩn là mốc quan trọng của ngành nước mắm thương mại và Phan Thiết trở thành thủ phủ nước mắm, góp phần tạo thói quen ăn nước mắm trong bữa cơm người Việt.

Sự kiện “cải tạo và kê biên tài sản” của những nhà tư sản sau 1975 đã làm tiêu tan các nhà thùng làm nước mắm truyền thống, trong đó có gia đình dòng họ tôi, khiến bao nhiêu hàm hộ (là những nhà tư sản nước mắm - NV) Phan Thiết bỏ xứ mà đi. Cũng từ đó nước mắm tĩn bị lãng quên, dần mất dấu... Và trong khi nước mắm tĩn trải qua gần 50 năm đứt gãy thì các cơ sở quốc doanh sản xuất nước mắm chứa trong thùng thiếc, đem bán trong can nhựa!

"Là người Phan Thiết, tôi hiểu câu chuyện lịch sử, những nét hay và cái đẹp của làng chài, những thăng trầm của nghề nước mắm trên quê hương."

TS. Trần Ngọc Dũng

Lớn lên, thấy nước mắm ngon của ngày xưa có nguy cơ biến mất vĩnh viễn, tôi tự thấy mình có trách nhiệm với quê nhà, phải hồi sinh chữ tĩn và cách thức làm nước mắm gắn với chữ tĩn ấy, kể lại câu chuyện 300 năm trước của tổ tiên để hy vọng sau này dù mình chết đi thì nước mắm tĩn và câu chuyện sinh động đó vẫn còn với thế hệ kế tiếp. Bảo tàng nước mắm do vậy có nhiệm vụ lưu cái tên nước mắm tĩn cho đời sau, bằng cách thức sinh động nhất, dễ hiểu dễ nhớ nhất. Tôi cũng tự đặt sứ mệnh phải hàn gắn, khôi phục lại uy tín của gia đình, dòng họ vốn nổi danh với nước mắm tĩn Phan Thiết xưa.

Là người Phan Thiết, tôi hiểu câu chuyện lịch sử, những nét hay và cái đẹp của làng chài, những thăng trầm của nghề nước mắm trên quê hương. Đặc biệt khi đi đến nhiều nước, tôi tìm được nhiều cảm hứng qua những mô hình sản phẩm văn hóa, cách hồi sinh sản phẩm truyền thống, cách kể những câu chuyện xưa hay ra sao cho đời nay.

Sau khi khởi nghiệp thành công và chuyển nhượng công ty của mình với nguồn kinh phí tốt, thay vì đợi thêm 10 năm với dự án khác, tôi quyết định về quê thực hiện ngay dự án Làng Chài Xưa. Không có gì thú vị hơn khi một người thế hệ sau như mình được làm công việc khôi phục lại tên tuổi xưa của quê hương xứ sở, mà muốn kể câu chuyện xưa cho hấp dẫn thì phải xây dựng “hệ sinh thái”, phải kể được câu chuyện hay bằng bảo tàng, nhà hát và cả nhà hàng phục vụ các món ăn nêm nếm từ nước mắm...

“Hệ sinh thái” nước mắm như anh mô tả hiện đã xây dựng được tới đâu?

Có thể nói dự án đã thành công bước đầu, gồm bốn hạng mục chính, vở diễn Huyền thoại Làng Chài (2017), cụm nhà hàng, Bảo tàng nước mắm (2018) và nước mắm thương phẩm (2019). Tôi tính hoàn thiện phần thiết lập cơ bản của dự án trong 5 năm đầu. Vở diễn Huyền thoại Làng Chài sân khấu hóa mối giao duyên Kinh - Chăm thông qua huyền thoại Cá Ông và thần Shiva với sân khấu nước bốn tầng cùng các kỹ thuật giải trí hiện đại kéo dài một giờ đồng hồ. Đây là sản phẩm du lịch văn hóa, phác họa hồi ức văn hóa làng chài, cuộc mưu sinh của người dân, sự vất vả khi ra khơi, làm muối, làm mắm, tín ngưỡng của người dân chài, quan trọng là giao thoa giữa văn hóa Chăm và Kinh đã tạo nên hồn cốt của vùng đất này.

Hình thức bảo tàng tương tác đã giúp khách tham quan trải nghiệm, nhập vai vào 14 không gian của làng chài, làng nghề nước mắm, để chìm lắng và tham gia tái hiện câu chuyện xưa. Trong bảo tàng có nơi trải nghiệm sản phẩm, giúp mọi người phân biệt nước mắm ngày nay và ngày xưa. Tôi tạo ra “hệ sinh thái” sao cho khách đến xem vở diễn và tham quan bảo tàng, giúp họ hiểu đầy đủ, sinh động hơn về lịch sử của sản phẩm nước mắm. Hiện tại, phản hồi từ nghiên cứu thị trường cho thấy bảo tàng và vở diễn có kết quả rất tích cực. Ban đầu chỉ 10% các công ty lữ hành đưa sản phẩm này vào chương trình tour bán cho khách trong nước và quốc tế, nay đã lên 60-70%.

Sản phẩm nước mắm Tĩn cũng được ưa chuộng rộng hơn khi nhiều khách lẻ, gia đình đến Làng Chài Xưa mua về dùng, làm quà tặng. Nhờ thế tôi đã mở được đại lý tại Hà Nội, Sài Gòn và bán rất tốt. Từ con số 0, câu chuyện đã lan truyền ra ngoài địa phận Phan Thiết, chứng tỏ câu chuyện mình kể đã chạm tới nhiều người thích sự tinh tế, thích cái hồn của nước mắm, thích nước mắm hương vị như ngày xưa. Ngoài nhóm khách dùng nước mắm truyền thống lâu nay thì nhờ những câu chuyện văn hóa, lịch sử mình kể thu hút được nhóm khách mới, đặc biệt rất nhiều bạn trẻ.

Thực hiện một dự án văn hóa du lịch chiều sâu với một tham vọng lớn lúc mới ngoài 40, anh có thấy quá trẻ khi bắt đầu?

Tôi thấy quá già đi chứ! Bắt đầu dự án này năm 41 tuổi nhưng tôi đã khởi nghiệp từ năm 26 tuổi. Trước đó, từ năm 17 tuổi tôi đã đi nhiều, có cơ hội học tập, nghiên cứu, trải nghiệm từ Úc, Pháp, Nhật đến Hàn. Khi về nước, tôi lập công ty riêng, có thể nói là đi tiên phong trong ngành nghiên cứu thị trường.

Ở tuổi này, khi đã tích lũy được nhiều thứ, bản thân cũng đã làm nghiên cứu về sản phẩm nước mắm khá lâu nên đây là thời điểm tôi thấy thích hợp để thực hiện dự án. Hơn nữa, du lịch Việt Nam đã phát triển nhất định về cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí. Chỉ còn thiếu khá nhiều các sản phẩm văn hóa - du lịch, trong khi nhu cầu về dịch vụ đặc biệt này ngày càng nhiều.

"Tôi đặt cược hết tất cả vào câu chuyện để giáo dục khách và người tiêu dùng về một sản vật độc đáo của một vùng quê, một điểm đến."

TS. Trần Ngọc Dũng

Với tôi, khởi nghiệp lần này một nửa mang mục đích kinh doanh, một nửa là đam mê. Đây cũng là lĩnh vực chưa có người làm. Tôi thích thử thách bản thân, làm những thứ chưa ai làm vì tôi nghĩ, không làm thì thôi, khi làm gì thì phải làm đến nơi đến chốn để có thể lưu lại tên tuổi cho đời. Tôi quyết tâm không để thất bại, nên trước khi bắt đầu đã tính rất kỹ.

Không nhằm mục tiêu làm giàu nhưng mô hình du lịch văn hóa luôn phải kèm giải pháp kinh doanh hiệu quả để ít nhất không lỗ. Trừ hết khấu hao và chi phí thì khi dòng tiền dương sẽ được tái đầu tư cho dự án. Luôn phải tuân thủ kế hoạch 50-50, một nửa là do đam mê nhưng một nửa thì phải là kinh doanh. Dự án về văn hóa phải tính đường dài, thấm dần, lợi nhuận không đến liền. Sản phẩm phải chất lượng, bao bì phải tinh tế, giá cao một chút nhưng mình không bị áp lực, ai hiểu thì mua, ai chưa hiểu không mua cũng không sao. Còn đặt lợi nhuận lên sẽ bị áp lực bán nhiều, giá thấp, kéo theo chất lượng giảm.

Bên trong Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa. Ảnh: NVCC

Bên trong Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa. Ảnh: NVCC

“Hàm lượng” lịch sử, mục tiêu giáo dục được anh lồng ghép vào “hệ sinh thái” ấy như thế nào?

Có thể nói tôi đặt cược sự thành công của dự án vào cả mục đích giáo dục chứ không chỉ du lịch – văn hóa. Bởi, khi khách tham quan bỏ tiền đi du lịch, cái họ cần nhận lại và mình cần trao không chỉ là cảnh quan đẹp, lạ mà còn là câu chuyện lịch sử, văn hóa vùng miền để họ hiểu hơn và từ đó yêu hơn đất nước và thế giới mà mình đang sống, đang khám phá.

Hiện nay, nhu cầu này chưa cao nhưng nó đang dần tăng lên, và thực sự đáng để chúng tôi hy vọng. Ở vùng đất này, chưa ai biết khai thác vốn văn hóa quý giá thế nào, nên tôi muốn khai phá dù vẫn biết là khó khăn. Để kể lại câu chuyện về làng chài ngày xưa, về nghề nước mắm xưa thì phải đi tìm những câu chuyện xa xưa vài trăm năm trước, giao thoa Kinh - Chăm ra làm sao, hò bả trạo, cầu ngư, tổ nghề nước mắm là như thế nào? Nghề mắm, nghề muối đã phối ngẫu ra sao để có được những giọt nước mắm đựng trong tĩn gốm? Ông tổ nghề là ai? Tôi nghĩ câu chuyện đó chưa ai biết nên khi nghe kể họ sẽ có cảm xúc, có cảm nhận tốt về sản phẩm văn hóa du lịch, lẫn những sản vật của địa phương và ẩn chứa trong đó chính là giáo dục.

Tôi đầu tư cho câu chuyện tất cả các hạng mục từ món ăn trong nhà hàng, sản phẩm nước mắm đến văn hóa làng chài, hy vọng khách khi đem quà về tặng, họ đem câu chuyện đi xa, lan truyền chiều sâu. Kể một câu chuyện của lịch sử hàng mấy trăm năm phải đầu tư từng chút, phải chất lượng để tạo sự lan tỏa dần dần, người này kể, người kia rỉ tai như một cách trau dồi hiểu biết cho nhau. Tôi đặt cược hết tất cả vào câu chuyện để giúp người tiêu dùng hiểu về sản vật độc đáo của một vùng quê, một điểm đến.

Anh rút ra được bài học gì từ trải nghiệm khó khăn vì làm những việc chưa ai làm?

Tôi phải đối diện thách thức, giải quyết khó khăn từng ngày từng tháng trong suốt bốn năm qua. Trước giờ tôi làm việc hay thực hiện dự án chủ yếu ở các thành phố lớn, khi bắt tay vào dự án này ở làng quê, đầu tiên là cần nhân sự giỏi và chuyên nghiệp không có. Giải quyết nhân sự đau đầu từng ngày, vì phần lớn mọi người thích thì làm không thích thì nghỉ.

Để tìm đúng người, giữ lại và đào tạo là cả một vấn đề. Mặc dù rất bận, tôi vẫn buộc phải vào Đại học Phan Thiết dạy môn tiếp thị du lịch vì muốn đào tạo, tuyển chọn một số em sinh viên tốt trong trường. Ngoài ra, tôi cũng muốn đào tạo, nâng cao nhận thức của các bạn về ngành du lịch, sản phẩm du lịch, văn hóa địa phương, sự tự hào của người địa phương.

Không chỉ đơn thuần là kiếm tiền, làm du lịch là quảng bá văn hóa địa phương, để lại cho du khách một câu chuyện của địa phương mình, và phải có sư tự hào trong đó. Tôi dắt các bạn đi tham quan các điểm cũng như bảo tàng và coi vở diễn để các bạn có những bài học thực tế du lịch địa phương, phân tích những điểm mạnh điểm yếu, đưa ra giải pháp cho từng sản phẩm. Các bạn đó ra trường sau này sẽ làm trong ngành du lịch của Bình Thuận, giúp có hiệu quả lâu dài về cả nền du lịch tỉnh và cho cả sản phẩm của mình. Có lợi được nhiều thứ nên mình ráng đầu tư công sức, thời gian vào dạy trong trường.

"Trong ngành hàng tiêu dùng, chất lượng sản phẩm luôn là điều quan trọng nhất, chiếm 70%, nên tôi tập trung tối đa cho điều này. Trong khi đó, 30% còn lại nằm ở câu chuyện, cái thể hiện tinh tế bên ngoài bao bì, đưa lại tổng thể cảm nhận cho người dùng về một sản phẩm."

TS. Trần Ngọc Dũng

Rồi các nhà cung cấp, đối tác xây dựng tại địa phương cũng thiếu thốn. Các kỹ thuật mới liên quan cho sân khấu như nước, ánh sáng từ kỹ thuật đến nhân viên đến diễn viên đến đối tác, đều do một mình tôi phải thực hiện. Khối lượng công việc, độ vất vả, sự nỗ lực làm trong bốn năm qua có thể so sánh bằng 20 năm tôi làm nghiên cứu thị trường. Bốn năm không có thứ 7, chủ nhật, không có ngày và đêm. Khi dịch bệnh đến mình lại phải tự đi học về kỹ thuật số, trực tiếp đi gặp siêu thị, gặp đối tác online, thuyết phục họ, đi mở văn phòng đại lý tại Hà Nội, Sài Gòn.

Thách thức của người đi đầu rất lớn, ngay như câu chuyện giáo dục vừa kể trên, người ta chưa có thói quen thưởng thức văn hóa khi đi du lịch nên phải tạo sản phẩm, tập cho người ta làm quen. Thách thức của người đi đầu là tự cân bằng, vì không có công thức nào để theo. Thí dụ với vở diễn, khi hoàn tất lần đầu, nó hoàn hảo và rất hàn lâm. Mình và biên đạo chính đều rất hài lòng nhưng khi trình diễn, khách du lịch chê, coi giữa chừng bỏ về, hoặc ngủ luôn trên ghế. Vậy là phải chỉnh hàng đêm, tốn cả 5 tỷ đồng để làm lại, đưa yếu tố giải trí vào cho nhẹ nhàng, gần với số đông hơn nhưng không được phá vỡ giá trị nghệ thuật.

Bài thuyết minh ở bảo tàng cũng chỉnh miết. Đi đầu thì không biết thế nào mới đạt chuẩn và bao nhiêu là vừa nên vừa làm vừa chỉnh, cuối cùng mới được trạng thái tối ưu, khán giả trẻ - đối tượng chính của sự trao truyền lịch sử - văn hóa ra về vẫn thích, vẫn đọng lại chút gì đó về bảo tàng, vở diễn và nhà hàng.

Cái lợi của người đi đầu là khi đã có sức hút cả sản phẩm văn hóa lẫn sản phẩm thương mại của địa phương thì ít cạnh tranh. Thành công hiện nay liên quan đến nền tảng học tập và chuyên môn chính của tôi. Trong ngành hàng tiêu dùng, chất lượng sản phẩm luôn là điều quan trọng nhất, chiếm 70%, nên tôi tập trung tối đa cho điều này. Trong khi đó, 30% còn lại nằm ở câu chuyện, cái thể hiện tinh tế bên ngoài bao bì, đưa lại tổng thể cảm nhận cho người dùng về một sản phẩm. Có thể thấy hiện các nhà thùng đều đạt được tối đa 70% về chất lượng nhưng đa phần họ lại “bỏ rơi” 30% còn lại. “Hệ sinh thái” Làng Chài Xưa chính là thứ mình đầu tư cho 30% đó. Sự khác biệt nằm ở bề dày, sự sâu sắc của câu chuyện, cần thật kỳ công mới thành công.

Sự đón nhận của khách đối với các sản phẩm trong dự án của anh thế nào? Dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay, là một dự án văn hóa du lịch, anh có “thấm đòn”?

Hầu hết khách coi vở diễn và bảo tàng đều đang đánh giá mức 4,5/5. Nội dung hiện giờ dễ hiểu và đặc sắc của điểm đến Phan Thiết. Và khi khách hiểu câu chuyện đều tiếp tục mua sản phẩm nước mắm. Đây là may mắn của dự án vì trong khi doanh thu từ vở diễn và bảo tàng giảm hơn một nửa do đại dịch COVID-19 thì lượng bán nước mắm tại thị trường nội địa lại tăng trưởng rất tốt.

Tôi chính thức bán nước mắm Tĩn được mới hơn một năm nhưng sản lượng năm 2020 tới giờ đã tăng gấp đôi, tới 500.000 lít. Năm ngoái chủ yếu bán tại Phan Thiết thì năm nay đã bán rộng ra các tỉnh thành khác, nhất là Hà Nội và Sài Gòn. Tôi phải đi học cách tiếp cận và kết nối để bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử, bán thông qua các đại lý, các siêu thị cao cấp. Bán hàng trên sàn thương mại điện tử là một trải nghiệm thú vị khi sản phẩm của mình đưa lên sàn rất hút khách nhờ có câu chuyện.

Không những thế, tôi “dắt” khách về bảo tàng, về trang facebook cá nhân, kể các câu chuyện cho họ nghe, điều này giúp tăng doanh thu tốt trên các sàn. Trong thời gian dịch bệnh tôi tiếp tục đào tạo nhân lực đang nhàn rỗi. Dịch lại trở thành cơ hội để thúc đẩy rất nhiều nhân viên phải ra khỏi vùng an toàn, làm thêm những nhiệm vụ khác.

Có thể nói, nhân viên của tôi giờ ai cũng có khả năng bán nước mắm nhờ vào bản thông tin mẫu mà chúng tôi chủ động soạn thảo để mỗi bạn tự tin đọc, hiểu, nhớ…

Cảnh trong vở diễn Huyền thoại Làng Chài. Ảnh: NVCC

Trong năm năm tới, anh hình dung dự án sẽ thế nào?

Tôi ước mơ với thành công của dự án này sẽ có nhiều thời gian chia sẻ với mọi người. Tôi muốn nhân rộng mô hình này mà mình đóng vai trò là người truyền cảm hứng. Song song đó sẽ huấn luyện thêm cho đội ngũ kế thừa và các bạn trẻ muốn làm những mô hình tương tự, tại những địa phương khác, với những sản vật khác của địa phương họ. Mỗi người mỗi quê, họ có những tình cảm riêng, đam mê riêng, có tiền bạc tích lũy, khi họ tham khảo mô hình Làng Chài Xưa, tôi chia sẻ để họ tránh những sai lầm, từ đó bứt phá nhanh hơn. Tôi mong mỗi làng mỗi xã, mỗi huyện đều có thể có một đặc sản, như mô hình OVOP (một làng nghề một sản phẩm - PV) của Nhật. Khi xây dựng được mô hình đó thì người dân địa phương đều sống được nhờ sản vật của mình, rồi những nhà trí thức, những nhà đầu tư tại các tỉnh thành lớn mới đổ tiền về đầu tư chứ không chỉ dồn tại các thành phố lớn và chỉ tập trung đầu cơ...

Ngoài ra, tôi đang có hướng sẽ ra thêm một số nước mắm khác như nước mắm từ tôm, từ rong biển, mở rộng hạng mục của bảo tàng. Tôi không dừng lại ở việc khôi phục nước mắm xưa mà muốn làm dòng nước mắm xưa hấp dẫn hơn, đương đại hơn vì hiện nay ngành nước mắm truyền thống thiếu hấp dẫn, thiếu sự cải tiến, thiếu yếu tố mới lạ để thu hút, hấp dẫn giới trẻ.

Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam được cấp phép thành lập, có vẻ đó là một tín hiệu vui cho các nhà thùng nước mắm truyền thống sau thời gian dài đấu tranh. Anh bình luận gì về sự kiện này?

Thứ nhất, đây là thành công của nhiều cuộc vận động, để được công nhận có tồn tại ngành nước mắm truyền thống riêng trong ngành nước mắm nói chung, có một cái tên riêng, phân biệt được với các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. Tôi cảm nhận các thành viên trong Hiệp hội sẽ có sự gắn kết hơn sau nhiều lần bị bức ép. Đây là một bước tiến tốt giúp ban hành các quy chuẩn chung cho các thành viên để tự bảo vệ mình. Họ sẽ theo tiêu chí sản xuất chung, hỗ trợ lẫn nhau, tất cả cùng nâng cấp chuẩn sản xuất, chất lượng. Nhỏ, thủ công nhưng làm đúng chuẩn thì không lo sợ bị ai hại, và tiếp theo tập trung vào tăng trưởng.

"Tôi ước mơ với thành công của dự án này sẽ có nhiều thời gian chia sẻ với mọi người. Tôi muốn nhân rộng mô hình này mà mình đóng vai trò là người truyền cảm hứng. Song song đó sẽ huấn luyện thêm cho đội ngũ kế thừa và các bạn trẻ muốn làm những mô hình tương tự, tại những địa phương khác..."

TS. Trần Ngọc Dũng

Ước tính thị phần của nước mắm truyền thống ở Việt Nam đang ổn định ở khoảng 30% nhờ lượng khách trung thành, tiêu thụ khoảng 40-50 triệu lít so với 160 triệu lít nước mắm công nghiệp. Nhờ có truyền thông hai chiều, và mỗi loại sản phẩm có một phân khúc riêng, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp hiện cũng không còn gây khó dễ với các nhà thùng truyền thống. Thị trường nào cũng có thị phần, có phân khúc đáp ứng các nhu cầu khác nhau về sở thích, về sự tiện lợi... Truyền thống vẫn phải thở hơi thở đương đại, thời cuộc đi đến một nấc mới nên nước mắm phải đáp ứng được thời cuộc.

Nhìn xa, muốn phát triển thì phải làm sao để giới trẻ nhận thức sâu rộng hơn, tốt đẹp hơn về nước mắm truyền thống. Cần tiếp cận được giới trẻ nhiều hơn nữa, tạo sự kết nối với họ. Đây là thách thức lớn nhất của cả Hiệp hội, ít nhất là để duy trì thị phần nhất định cho nước mắm truyền thống trong tương lai.

Về phần mình, anh định vị khách hàng chính của nước mắm truyền thống như thế nào?

Ưu tiên thị trường nội địa và khách hàng đối tượng là có học thức, hiểu biết. Tôi làm bảo tàng với mong muốn xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống như cách các quốc gia làm thương hiệu rượu vang, có sự tinh tế và phân khúc thị trường riêng, có gu thưởng thức khác biệt. Hiện giờ những người ăn nước mắm truyền thống đa phần là người lớn tuổi, đơn thuần là vì gu, vì hương vị của ngày xưa. Họ vào bảo tàng và mua nước mắm rất nhiều vì họ nhìn thấy cái tĩn chứa đầy ký ức tuổi thơ.

Điều này vừa vui vừa đáng lo vì chẳng lẽ lớp lớn tuổi mà hết thì thị trường sẽ không còn? Vì vậy tôi muốn nhắm nhiều hơn tới giới trẻ, vì họ là khách hàng tiềm năng lâu dài. Tôi quan sát, các bạn trẻ mà các công ty du lịch đưa đến rất thích những câu chuyện, thích Bảo tàng nước mắm, có thể chuyển đổi họ từ thích nước mắm công nghiệp, hoặc không quan tâm đến loại nước nắm nào sang thích nước mắm truyền thống.

Chính nhờ bảo tàng mà tôi đã chuyển đổi được nhiều khách hàng khá trẻ đến với nước mắm Tĩn. Họ mua tặng bố mẹ, bạn bè, mua cho bản thân ăn. Điều này rất quan trọng. Vì, như thế có nghĩa văn hóa đã đạt được cốt lõi của nó “là giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra và truyền từ đời này sang đời khác”!

Thực hiện: Kim Dung - Ảnh: Quý Hòa

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/xay-he-sinh-thai-cho-nuoc-mam-tin-lung-danh-25532.html