'Xây' Kinh thành Huế qua Minecraft

Tự nhận mình là người phụ hồ, xây dựng các công trình kiến trúc bằng những viên gạch qua thế giới ảo, Team Fuho đã tái hiện lại Kinh thành Huế và nhiều công trình kiến trúc khác một cách gần gũi, chân thực thông qua game Minecraft.

 Xuân Bảo dùng chuột và bàn phím “xây” Kinh thành Huế

Xuân Bảo dùng chuột và bàn phím “xây” Kinh thành Huế

Tái hiện

Là thể loại game sáng tạo, xây dựng mô hình từ hoạt động sắp xếp các khối lập phương, Minecraft không chỉ giúp người chơi phát triển tư duy mà còn khám phá và hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thông qua con chuột và bàn phím. Tập hợp hơn 10 thành viên trên nhiều tỉnh, thành, không chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí, với năng lực và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng, Team Fuho đã và đang xây dựng hàng nghìn công trình với mong muốn mang hình ảnh thân thương của đất nước Việt Nam đến gần hơn với nhiều người.

Năm 2019, Happy Vietnam được Team Fuho giới thiệu đến với cộng đồng. Với mục tiêu tái hiện lại các công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam thông qua game Minecraft, dự án hướng tới xây dựng một bản đồ Happy Vietnam thực sự đại diện cho Minecraft Việt Nam. Từ sự nỗ lực không ngừng của các thành viên, Team Fuho đã “trình làng” nhiều công trình kiến trúc trong game, tái hiện lại vô cùng chân thực hình ảnh các công trình ngoài đời thực như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên. Các công trình không chỉ nhận được sự công nhận từ cộng đồng Minecraft cả ở trong và ngoài nước mà còn mở rộng phạm vi sang cả những người chưa biết đến thể loại game này.

 Phải mất nhiều tháng để các bạn trẻ xây dựng Kinh thành Huế trong Minecraft

Phải mất nhiều tháng để các bạn trẻ xây dựng Kinh thành Huế trong Minecraft

Phí Hoàng Đạt, Trưởng nhóm Team Fuho cho biết: “Gần đây nhất, Team đã bắt tay vào xây dựng với mong muốn hình ảnh của Cố đô Huế được mang vào Minecraft một cách sống động và chi tiết nhất. Trong đó, người góp sức lớn cho công trình là hai thành viên Cao Đình Xuân Bảo và Trần Lê Minh Trí”.

Từng viên gạch

Trong dự án Happy Vietnam, Kinh thành Huế là công trình được khởi động vào cuối năm 2023. Cao Đình Xuân Bảo, chàng trai quê Quảng Điền với 10 năm kinh nghiệm trong Minecraft đóng vai trò quan trọng khi tìm kiếm, hoàn thiện tư liệu và xây dựng công trình này. Đặc biệt, với năng khiếu nhiếp ảnh, Xuân Bảo còn ra vào công trình nhiều lần để bổ sung thêm vào tư liệu những hình ảnh còn thiếu.

Tập trung vào những tư liệu, con số mà bản thân và những người bạn trong nhóm thu thập được, Xuân Bảo tận dụng khoảng thời gian ngoài công việc và học tập mỗi ngày để sắp đặt từng viên gạch trong màn hình máy tính, cần mẫn xây lên Kinh thành Huế. Anh chia sẻ: “Trước đó, mình và những người bạn đã mất rất nhiều thời gian để góp nhặt tư liệu về Kinh thành Huế. Đây là hoạt động quan trọng nhất vì để xây dựng một công trình trong Minecraft là không khó, nhưng để tái hiện lại sống động một công trình có thật với đầy đủ các chi tiết là vô cùng phức tạp. Điều đó không chỉ đòi hỏi khả năng làm việc nhóm, kiến thức nhất định về lịch sử, địa lý mà còn kinh nghiệm xây dựng, khả năng phối màu, phối cảnh”.

Với niềm đam mê của mình, những chàng trai đã mất nhiều tháng để đặt từng chi tiết và hoàn thành bản đồ mô phỏng Kinh thành Huế. Chỉ riêng Tử Cấm thành trong Minecraft, Xuân Bảo và các thành viên đã phải mất hơn nửa năm để “xây dựng” hoàn toàn thủ công. Từ sự tỉ mỉ và cẩn thận của các bạn trẻ, Kinh thành Huế đã được tái hiện lại vô cùng lạ mắt, chân thực và sinh động. Công trình vẫn giữ nguyên nét tiêu biểu về kiến trúc dù được tạo nên hoàn toàn từ các khối lập phương.

Xuân Bảo cho biết: “Là công trình lớn, Kinh thành Huế vẫn đang tiếp tục được chúng mình hoàn thiện và mở rộng quy mô ra các vùng lân cận. Sau khi xây dựng xong, các công trình sẽ được Team Fuho “mở cửa” để cộng đồng tham quan online, tin rằng sẽ có thêm nhiều người biết đến vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Cố đô Huế trong một không gian khác”.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/xay-kinh-thanh-hue-qua-minecraft-141727.html