Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà (XLV) chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 10%
CTCP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà (mã chứng khoán XLV - UPCoM) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2022 là ngày 16/6. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 15/6.
Theo đó, Dịch vụ Sông Đà trả cổ tức với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Như vậy, với 3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ chi 3 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Công ty được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Chi nhánh sông Đà 11-3 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 11 - Tập đoàn Sông Đà. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Dịch vụ Sông Đà hiện là nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây lắp các công trình điện, nước, nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình đường dây và trạm biến áp đến 500kV.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 311 tỷ đồng, vượt nhẹ kế hoạch đề ra là 309 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6,35 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch năm.
Công ty cho biết năm 2022 nhiều công trình do vướng mắc đền bù phải kéo dài 3-4 năm và phải cưỡng chế bảo vệ thi công do đó khi quyết toán các công trình đều bị thua lỗ rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm công ty không hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận năm.
Ngoài ra, công tác thu hồi vốn đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra, giá trị dở dang và công nợ phải thu còn rất lớn. Một số công trình tồn đọng nợ lâu chưa được giải quyết như công trình An Khánh của Sudico 700 triệu, Công trình Hầm Đà Nẵng- Quảng Ngãi 2,4 tỷ, quản lý tòa nhà công ty Someco 650 triệu…
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Đại hội cổ đông thường niên vừa qua của Công ty đã thông qua với mục tiêu kinh doanh đạt 300 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng, tương ứng giảm 3,5% và giảm hơn 21% so với các kết quả thực hiện năm ngoái. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến 8-10%.
Năm 2023, Dịch vụ Sông Đà nhận định có nhiều thuận lợi khi Chính phủ có nhiều giải pháp để tăng đầu tư công, nới lỏng tín dụng để giảm khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Quy hoạch điện VIII cũng đã được thông qua. EVN dự kiến sẽ đầu tư nhiều dự án mới và nâng cấp nhiều dự án đường dây và trạm biến áp mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xây lắp. Ngoài ra, sau nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Tập đoàn EVN đã xem xét điều chỉnh giá dự toán công trình cho phù hợp tình hình thực tế hơn.
Tuy nhiên vẫn còn khó khăn, do giá cả thị trường luôn biến động.
Nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhiều tuyến đường cao tốc và các khu công nghiệp bắt đầu triển khai thi công dẫn đến giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, cát san nền, bê tông và các loại vật liệu khác biến động tăng giá.
Cơ chế đấu thầu tìm kiếm việc làm vẫn còn bị hạn chế, giá dự toán gói thầu đã được điều chỉnh tuy nhiên vẫn rất thấp, sức cạnh tranh ngày càng cao nên giá trúng thầu các công trình thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả, lợi nhuận của dự án.
Thực tế, nhiều công trình ký hợp đồng với chủ đầu tư từ năm 2022 và đã chuẩn bị kế hoạch thi công từ đầu năm 2023 tuy nhiên đến nay do vướng đền bù nên chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công như ĐZ 220kV Pác Ma- Mường Tè, ĐZ 220kV Thạch Mỹ- Duy Tiên, TBA 220kV Bá Thiện.
Ngoài ra, Công ty cho biết, các công trình đang thi công nhưng chủ đầu tư chưa đấu thầu được thiết bị điện nên nguy cơ công trình sẽ bị kéo dài không theo kế hoạch tiến độ của hợp đồng là hiện hữu như TBA 220kV Duyên Hải, TBA 220 kV Phố Cao. Việc các công trình bị kéo dài sẽ làm tăng chi phí quản lý và rủi ro khó lường do biến động giá cả thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu XLV gần như không có thanh khoản. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5, thị giá XLV đạt 9.300 đồng/cổ phiếu, tăng 22% so với hồi đầu năm.