Xây nền móng cho thể thao Việt Nam

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu xây dựng nền thể dục, thể thao bền vững, chuyên nghiệp. Trong đó, thể thao thành tích cao nước ta cần duy trì thứ hạng trong top 3 tại các kỳ SEA Games và top 20 tại các kỳ ASIAD. Trong bối cảnh hiện tại thì đây là mục tiêu không dễ và những người làm thể thao cần nhanh chóng bắt tay vào quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Vận động viên Châu Tuyết Vân cùng các đồng đội ăn mừng khi đoạt Huy chương Vàng nội dung đồng đội nữ biểu diễn tại giải ở giải vô địch quyền taekwondo thế giới 2024 (tổ chức tại Hong Kong, Trung Quốc).

Vận động viên Châu Tuyết Vân cùng các đồng đội ăn mừng khi đoạt Huy chương Vàng nội dung đồng đội nữ biểu diễn tại giải ở giải vô địch quyền taekwondo thế giới 2024 (tổ chức tại Hong Kong, Trung Quốc).

Định hướng đột phá

Năm 2024 đi qua với nhiều nốt “trầm” của thể thao Việt Nam. Chúng ta thất bại tại Olympic Paris khi không giành được bất kỳ huy chương nào. Thành tích tại các giải đấu quốc tế khác cũng không thực sự nổi bật. Chính vì vậy, mục tiêu vươn tầm để bóng đá nam vào top 8 châu Á, hay kể cả thể thao Việt Nam nằm trong top 50 tại các kỳ Olympic khiến nhiều người hoài nghi. Trên cơ sở chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển triển, nhất là xây nền móng vững chắc cho thể thao Việt Nam là rất quan trọng.

Từ nhiều năm nay, ngành Thể dục thể thao đã triển khai kế hoạch phát triển liên thông SEA Games, ASIAD và Olympic. Trong đó, SEA Games được xác định “bàn đạp” để hướng tới ASIAD và Olympic. Việc chuẩn bị lực lượng cho mỗi kỳ thế vận hội luôn được tính toán từ sớm nhằm giúp các vận động viên (VĐV) duy trì thi đấu, cọ xát, nâng cao thành tích ở các giải đấu khu vực, châu lục. Để có sự đột phá trong giai đoạn mới, tư duy phát triển của thể thao Việt Nam sẽ thay đổi với phương châm lấy ASIAD làm trọng tâm để vươn tầm Olympic; tăng cường cho VĐV trẻ cọ sát tại sân chơi SEA Games.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc tranh chấp thành tích trên đấu trường ASIAD và Olympic của các VĐV Việt Nam thời gian qua chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định về thành tích. Chính vì vậy, phương pháp tuyển chọn, đào tạo và phát triển VĐV cần có sự thay đổi theo hướng tầm nhìn dài hạn, phải xây dựng được nền móng vững chắc; cùng với đó là đầu tư nguồn lực xứng tầm cho thể thao thành tích cao. Tạo bước chuyển biến cơ bản cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao...

Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T hiện đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển nữ quốc gia.

Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T hiện đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển nữ quốc gia.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng VĐV, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của đất nước; nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng VĐV có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic. Đặc biệt, cần thúc đẩy hoạt động kinh tế thể thao tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục - thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong nước.

Thái Nguyên đóng góp nhiều vận động viên chất lượng

Coi trọng phát triển lĩnh vực thể dục thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao, Thái Nguyên là một trong những địa phương đóng góp lực lượng khá đông đảo cho đội tuyển quốc gia ở các môn như: Bóng đá nữ, muay Thái, wushu tán thủ, đua thuyền… Những năm qua, VĐV của xứ trà đã thi đấu xuất sắc và giành nhiều kết quả cao ở đấu trường khu vực và trên thế giới.

Để có kết quả này, Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã đặt mục tiêu cụ thể cho thể thao thành tích cao là: Có 380-650 VĐV được đào tạo tập trung; có từ 150-170 lượt VĐV đạt cấp kiện tướng; có từ 400-420 lượt VĐV cấp I; đào tạo từ 200-280 VĐV trẻ; xếp hạng thứ 20 trở lên tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; đạt vị trí tốp đầu các tỉnh miền núi toàn quốc. Cùng với đó là giải pháp cụ thể cơ chế chính sách; xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực thể thao.

Từ những mục tiêu và giải pháp đề ra, tỉnh đã quan tâm dành nguồn lực đúng mức đầu tư cho cơ sở vật chất, tuyển chọn và đào tạo lực lượng VĐV trẻ, cũng như thu hút nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực thể thao. Việc Tập đoàn T&T Group tiếp tục cam kết đồng hành cùng bóng đá nữ Thái Nguyên trong giai đoạn 2025-2023 hay Sân vận động Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn quốc tế sắp hoan thành, đưa vào hoạt động là những dẫn chứng cụ thể. Tất cả giúp thể thao Thái Nguyên cùng với cả nước xây dựng nền móng vững chắc để vươn mình trong giai đoạn tới.

Từ nay đến năm 2030, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và nhóm 20 đoàn dẫn đầu các kỳ Asian Games; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Asian Games, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic. Ngoài ra, bóng đá nam vào nhóm 8 đội hàng đầu châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ trong nhóm 6 đội hàng đầu châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

HT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202501/xay-nen-mong-cho-the-thao-viet-nam-8250433/