Xây 'pháo đài' phòng cháy chữa cháy vững chắc từ cơ sở

Thời gian qua, mô hình 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy' và 'Điểm chữa cháy công cộng' được triển khai, nhân rộng toàn TPHCM đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), an ninh trật tự…

Xử lý cháy nổ ngay tại chỗ

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn PCCC thuộc Tổ dân phố 8, khu phố 6, phường Tân Hưng Thuận, quận 12) nhớ lại, có lần ông đang ngủ trong nhà thì nhận cuộc gọi của hàng xóm: “Nhà cháu cháy rồi bác ơi, cứu nhà cháu với…”. Ông Nghĩa chạy đến bấm chuông ở điểm chữa cháy công cộng để thông báo. Sau đó, ông và mọi người trong tổ dùng bình chữa cháy và búa phá cửa đến giải cứu nạn nhân ra ngoài an toàn. Đám cháy được dập tắt nhanh chóng. Hay khi căn nhà anh K. (sinh năm 2002, ngụ phường 1, quận 5) bất ngờ cháy, người dân trong hẻm kích hoạt chuông báo cháy của tổ liên gia an toàn PCCC. Lúc này, mọi người cùng lấy bình chữa cháy dập lửa và dùng búa phá cửa giải cứu anh K. ra ngoài an toàn trước khi lực lượng PCCC-CNCH đến.

Đây là 2 trong số nhiều vụ cháy được phát hiện, chữa cháy ngay từ đầu có hiệu quả từ mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn TPHCM. Thiếu tá Ngô Văn Quốc, Phó trưởng Công an phường 2, quận 3, cho biết, đơn vị vận động người dân và chính quyền thành lập, triển khai có hiệu quả các mô hình PCCC trên trong khu dân cư. Công an phường tiếp tục phối hợp với các ban, ngành phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hướng dẫn, triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp lãnh đạo liên quan PCCC-CNCH đến thành viên trong tổ; hướng dẫn, tuyên truyền phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 2, quận 3, chia sẻ, khu phố luôn tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó các thành viên ở tổ liên gia an toàn PCCC; luôn trao đổi thông tin, nắm tình hình, tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong PCCC.

“Khi chưa thành lập tổ liên gia, các hộ gia đình không có sự liên kết chặt chẽ, chủ yếu là tự PCCC chứ không có cách làm bài bản. Từ khi tổ liên gia thành lập, mọi chuyện khác hẳn, các thành viên có số liên lạc để kịp thời trao đổi thông tin hay rút kinh nghiệm để việc PCCC đạt hiệu quả. Đồng thời, nếu nghi ngờ có cháy, một người ấn chuông báo động thì các gia đình khác biết để có biện pháp ứng phó. Nhờ đó, thành viên trong tổ liên gia cũng an tâm hơn, bảo đảm an toàn phòng ngừa cháy nổ cho gia đình và mọi người xung quanh”, bà Ngà nói.

Đánh giá cao hiệu quả các mô hình PCCC, bà Lê Kim Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 3, cho rằng, người dân không chỉ ấn nút khi có sự cố cháy nổ xảy ra mà khi có sự việc, vụ việc liên quan an ninh trật tự tại tổ dân phố, người dân đều có thể báo động thông qua chuông của tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Thời gian tới, phường tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các mô hình PCCC đến người dân để lan rộng sự chủ động trong công tác PCCC.

Nhân rộng đến từng góc phố, con hẻm

Đến nay, các mô hình PCCC trên đã nhân rộng đến từng góc phố, ngõ hẻm khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trên địa bàn TPHCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2.953 tổ liên gia an toàn PCCC và 3.055 điểm chữa cháy công cộng. Trong đó, tại quận 11 duy trì hoạt động 63 đội PCCC dân phòng và 1.654 đội PCCC cơ sở, với 6.597 đội viên. Tất cả các phường trên địa bàn quận 11 đã ra mắt mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng và tiếp tục nhân rộng các mô hình này.

Trong khi đó, tại quận 10 hiện có 97 tổ liên gia PCCC và 93 điểm chữa cháy công cộng đang hoạt động. Tại quận 5 có 170 tổ liên gia an toàn PCCC và 112 điểm chữa cháy công cộng, với 2.539 hộ gia đình tham gia.

Người dân tổ dân phố 30, khu phố 4, phường 4, quận Gò Vấp (TPHCM) tham gia tập huấn phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: CHÍ THẠCH

Người dân tổ dân phố 30, khu phố 4, phường 4, quận Gò Vấp (TPHCM) tham gia tập huấn phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: CHÍ THẠCH

Chia sẻ về hiệu quả các mô hình PCCC, Trung tá Phạm Văn Túc, Đội trưởng Đội PCCC-CNCH (Công an quận 5), cho biết, các thành viên tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng đều được tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ. Các hộ tham gia đều được hướng dẫn và đồng thuận mở lối thoát nạn thứ 2. Nhiều tổ liên gia còn phối hợp với tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân nơi sinh sống chấp hành tốt các quy định PCCC… Qua đó, các mô hình PCCC mang lại lợi ích lớn cho các khu dân cư, giúp giảm thiểu nguy cơ cháy nổ; đồng thời tạo sự gắn kết trong nhân dân để góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các khu dân cư.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhận xét, các mô hình PCCC có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác PCCC-CNCH của các hộ gia đình tại khu dân cư; tận dụng thời gian vàng cho công tác PCCC-CNCH.

Trong ngày 3-10, Công an quận 5 (TPHCM) phối hợp với UBND phường 1 tổ chức tuyên truyền hướng dẫn và vận động 21/21 hộ gia đình sống ở chung cư 19 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5, TPHCM) tháo dỡ “chuồng cọp”; cắt bỏ một phần “chuồng cọp” để tạo lối thoát nạn thứ 2 nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.

Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM) vừa phối hợp Ban giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tổ chức chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa” cho hơn 2.000 học sinh các khối 10, 11, 12 cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tham gia chương trình tập huấn, học sinh và giáo viên được cung cấp kiến thức cơ bản về PCCC; nhận diện các nguyên nhân gây cháy nổ và cách xử lý khi có cháy nổ xảy ra.

CHÍ THẠCH - THU TÂM

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM), các mô hình PCCC được phát động triển khai rất hiệu quả, phù hợp với công tác PCCC-CNCH ở khu dân cư, cơ sở sản xuất. Trong nhiều vụ cháy xảy ra, các mô hình PCCC đã chủ động phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, cứu được người và nhiều tài sản, tạo hiệu ứng rất tốt về công tác PCCC trên địa bàn. Mỗi gia đình khi tham gia các mô hình PCCC như một “pháo đài” đảm bảo PCCC, an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Để phát huy hiệu quả các mô hình trên, thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Đại tá HUỲNH QUANG TÂM, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM):

Tận dụng thời gian vàng trong chữa cháy

Việc phát hiện cháy sớm và chữa cháy ngay từ ban đầu là cực kỳ quan trọng, đây là thời gian vàng trong công tác chữa cháy. Với phương châm 4 tại chỗ, lấy phòng ngừa là chính, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đã tham mưu các cấp chính quyền địa phương xây dựng lực lượng dân phòng vững mạnh, trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC-CNCH. Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ hàng năm và có các chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng. Đối với lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đã hướng dẫn người đứng đầu cơ sở tổ chức và xây dựng đội PCCC cơ sở, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên, trang bị các phương tiện và tiếp tục phát triển mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC, điểm chữa cháy công cộng.

Ông NGUYỄN TRẦN BÌNH, Chủ tịch UBND quận 11:

Xử lý xây dựng sai phép, không đảm bảo PCCC

Thời gian tới, tôi rất mong sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng sai phép, không phép, chuyển đổi công năng không xin phép chính quyền, làm gia tăng mức độ, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn; không đảm bảo các điều kiện an toàn thoát nạn khi xảy ra cháy… Ngoài ra, hiện nay kinh phí đầu tư cho các hoạt động PCCC hàng năm gặp nhiều khó khăn nên việc trang bị mới, sửa chữa các trang thiết bị PCCC tại địa phương chưa thực hiện thường xuyên. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầu tư trang thiết bị PCCC hơn nữa.

CHÍ THẠCH - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-phao-dai-phong-chay-chua-chay-vung-chac-tu-co-so-post708266.html