Xây quê hương đẹp giàu trên trận địa năm xưa

Nằm ở miền Tây huyện Vĩnh Linh, thị trấn Bến Quan từ một nông trường quân đội vừa phòng thủ chiến đấu, vừa sản xuất, đến nay đã mang vóc dáng của một đô thị trẻ, phát triển năng động. Hơn nửa thế kỷ đi qua, nơi trận địa năm xưa đã thay da, đổi thịt, song những trang sử hào hùng của lớp người đi trước vẫn mãi là 'điểm tựa' vững chắc cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Bến Quan vươn lên, dựng xây quê hương ngày một đẹp giàu.

Ký ức những ngày hoa lửa

Lâu lắm rồi, ông Trần Mạnh Hiến, 81 tuổi, ở phố Tô Vĩnh Diện, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội mới có dịp được chuyện trò về những ngày tháng hào hùng của hơn 50 năm về trước khi chiến đấu trên mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông kể: Năm 1966, không quân Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là vùng trọng điểm bị bắn phá ác liệt nhất.

Giữa năm 1966, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân) của ông nhận lệnh cơ động từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh với nhiệm vụ rất đặc biệt là nghiên cứu cách đánh B52. Nhận lệnh cấp trên, chàng thanh niên 23 tuổi Trần Mạnh Hiến lên đường vào Vĩnh Linh cùng đồng đội. Nơi đơn vị dừng chân lúc bấy giờ thuộc địa phận Nông trường Quyết Thắng, nay là thị trấn Bến Quan với địa hình vô cùng hiểm trở.

“Chúng tôi hành quân bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng và kéo theo xe điều khiển, vũ khí, khí tài vượt suối băng rừng trong mưa bom để đến được điểm tập kết. Trận địa tên lửa đòi hỏi phải đặt ở khu vực đảm bảo địch khó phát hiện ra, đường đi khó và đất đai phải rộng. Vì thế chỉ huy Trung đoàn và toàn thể anh em đã dựa vào sức dân, nhờ sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của các lực lượng tại địa phương mới tìm ra khu vực hợp lý để đặt trận địa tên lửa mang tên T5 và chuẩn bị chiến đấu. Nhiều gian khổ, nhưng nhờ được người dân địa phương đùm bọc, cùng với ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã lập nên kỳ tích lần đầu tiên bắn rơi “pháo đài bay B52” của Mỹ trên bầu trời Vĩnh Linh vào ngày 17/9/1967".

Ký ức hào hùng của những tháng ngày hoa lửa không chỉ in đậm trong tâm trí những người lính trực tiếp chiến đấu nơi trận địa, mà còn không phai mờ trong tim mỗi cán bộ, người dân của Nông trường Quyết Thắng năm xưa.

Ông Trần Ngọc Truyền kể lại những tháng ngày phối hợp cùng bộ đội tên lửa chiến đấu ở trận địa T5 - Ảnh: HN

Ông Trần Ngọc Truyền kể lại những tháng ngày phối hợp cùng bộ đội tên lửa chiến đấu ở trận địa T5 - Ảnh: HN

Ông Trần Ngọc Truyền, 96 tuổi, ở Khóm 5, thị trấn Bến Quan từng là người lính thuộc Tiểu đội 332, Trung đội 18. Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, năm 1960, những người lính trở thành cán bộ, công nhân Nông trường Quyết Thắng. Bản thân ông trải qua nhiều nhiệm vụ từ trưởng phòng Kế hoạch đến phó giám đốc và giám đốc của nông trường.

Là một cán bộ trực tiếp bám trụ địa bàn, ông Truyền chứng kiến nhiều chiến công của bộ đội tên lửa Việt Nam ở trận địa T5 cũng như biết nhiều thông tin về các trận đánh; quan sát, nắm bắt kỹ tinh thần phối hợp, hỗ trợ của nông trường với bộ đội tên lửa.

Ông cho hay: “Chiều ngày 17/9/1967, nhận được thông báo từ mặt trận sắp có đợt máy bay B52 đến đánh Vĩnh Linh, tôi và cán bộ, công nhân cùng tất thảy người dân phục vụ chiến đấu phải xuống hầm trú ẩn. Lúc ấy trên bầu trời xuất hiện 3 chiếc B52, tuy nhiên càng về sau, chúng tôi không thấy máy bay thả bom hay tấn công mà chỉ nghe tiếng tên lửa của bộ đội ta phóng lên bầu trời.

Rạng sáng hôm sau, chỉ huy của tiểu đoàn tên lửa mời Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc Nông trường Quyết thắng đến nói chuyện, uống trà và vui mừng thông báo, tại trận địa T5 ở Nông trường Quyết Thắng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 của ta đã đánh liên tiếp 2 trận và tiêu diệt 2 máy bay B52, khiến chúng bốc cháy đâm sầm xuống biển vào 17 giờ 30 phút ngày 17/9/1967. Hai ngày sau, báo Quân đội nhân dân, đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân dân cũng đều đưa tin về chiến công vẻ vang của bộ đội tên lửa Việt Nam và quân, dân Vĩnh Linh.

Tôi vô cùng phấn khởi, tự hào bởi chiến công ấy là chiến công chung của cả lực lượng bộ đội tên lửa phối hợp cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân quân, dân công hỏa tuyến, Nhân dân địa phương. Sau chiến công này, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ đã gửi thư đặc biệt khen ngợi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang".

Đổi thay nơi trận địa năm xưa

Ngày 1/8/1994, thị trấn Bến Quan được thành lập trên cơ sở Nông trường Quyết Thắng- một nông trường quốc doanh được thành lập từ Tiểu đoàn 332, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 và một số hộ dân thuộc hai xã miền núi của huyện Vĩnh Linh. Giờ đây, trên mảnh đất này phủ xanh màu xanh của cao su, cây lâm nghiệp, màu ngói đỏ tươi của những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ.

Thị trấn Bến Quan đang đổi thay từng ngày - Ảnh: HN

Thị trấn Bến Quan đang đổi thay từng ngày - Ảnh: HN

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Bến Quan Đỗ Thị Lài cho biết, để có được những thành quả ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Bến Quan đã luôn đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng thị trấn phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Từ năm 1994 đến nay, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được dấy lên sâu rộng đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt thị trấn đổi thay từng ngày. Bằng các nghị quyết, kế hoạch cụ thể, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất đem lại thành quả rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng các ngành thương mại - dịch vụ.

Thành tựu nổi bật trong sản xuất đó là: thị trấn Bến Quan đã khai thác tiềm năng thế mạnh gò đồi của mình, xác định mũi nhọn là phát triển cao su tiểu điền và cây lâm nghiệp, đến nay, thị trấn có hơn 1.800 ha cao su tiểu điền, gần 2.000 ha cây lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhân dân thị trấn đã tích cực cải tạo vườn tạp, phát triển nhiều mô hình vườn rừng, đưa nhiều giống cây trồng mới vào trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ hàng tỉ đồng/năm, cá biệt có hộ đạt hàng chục tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm 2023. Trên địa bàn thị trấn có hơn 300 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, giá trị sản xuất lĩnh vực này chiếm tỉ trọng hơn 60% trong cơ cấu kinh tế.

Đến nay thị trấn Bến Quan đã mang vóc dáng của một đô thị. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, hiện thị trấn Bến Quan đã có trường 4 cấp học từ trường mầm non đến THPT; có một trạm y tế với nhiều trang thiết bị, cùng với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hệ thống giao thông đường nhựa, bê tông hóa đạt trên 95%; 5/5 khóm có nhà văn hóa, có sân luyện tập thể dục, thể thao; 1.091/1.143 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa...

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Bến Quan. Từ khi thành lập Đảng bộ thị trấn có 12 chi bộ với 195 đảng viên, đến nay có 425 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ; công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, chuẩn hóa, trẻ hóa, từ đó nâng cao năng lực, phẩm chất.

Tháng 4/2024, thị trấn Bến Quan được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023. Từ trận địa năm xưa, biết bao thế hệ nơi mảnh đất này đã luôn đoàn kết một lòng, bền gan vững chí trên mọi mặt trận để dựng xây thị trấn Bến Quan ngày càng giàu đẹp, khởi sắc...

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xay-que-huong-dep-giau-tren-tran-dia-nam-xua-187799.htm