Xảy ra động đất có độ lớn 3.2 gần huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Vào lúc 11 giờ 40 phút 26 giây (giờ Hà Nội) ngày 19/6/2023, xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.2 cách biên giới Việt Nam tại địa phận huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu 18km.
Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, vào lúc 11 giờ 40 phút 26 giây (giờ Hà Nội) ngày 19/6/2023, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.749 độ Vĩ Bắc, 102.223 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 11.1km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - cách biên giới Việt Nam tại địa phận huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu 18km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trước đó, vào lúc 20 giờ 30 phút 38 giây (giờ Hà Nội) ngày 15/6/2023, một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ 20.652 độ Vĩ Bắc, 104.357 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Hủa Phăn, Lào - cách biên giới ở địa phận huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La khoảng 16km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Theo Cục Phòng, chống thiên tai, động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biên dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Động đất lớn có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách.
Động đất có thể gây ra đất lở, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ và hỏa hoạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trận động đất, sự chuyển động của mặt đất gây ra nhiều thiệt hại nhất. Trong rất nhiều trường hợp, có rất nhiều trận động đất nhỏ hơn xảy ra trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn.
Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn, và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu. Các nhà khoa học thường có thể định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu. Điểm này được gọi là chấn tiêu. Hình chiếu của điểm này lên mặt đất được gọi là chấn tâm.
Nhiều trận động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, hoặc có thể vì đáy biển bị biến dạng hay vì đất lở dưới đáy biển.