Xảy ra gần 10 trận động đất/ngày tại Kon Tum
Trong những ngày qua, Kon Tum liên tục ghi nhận các trận động đất, có ngày lên tới 8 trận. Khu vực huyện Kon Plong diễn ra trận động đất lớn nhất có độ mạnh 3.9 độ Richter.
Ngày 17/3, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu liên tiếp phát đi 8 bản tin thông báo động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, trận động đất đầu tiên trong ngày xảy ra lúc 10 giờ 43 phút có độ lớn 3.3 độ richter, các trận tiếp theo có độ lớn lần lượt là 3.2, 2.9, 3.9, 3.7, 3.8, 2.7, 2.6.
Trận động đất cuối ngày xảy ra lúc 23 giờ 13 phút ngày 17/3. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó ngày 16/3 ở đây xảy ra 2 trận, ngày 15/3 là 3 trận, ngày 14/3 là 4 trận, ngày 11/3 là 3 trận. Như vậy chỉ trong 16 ngày, Kon Tum đã ghi nhận đến 20 trận động đất.
Ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum từ giữa năm 2021, Trong đó lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 có độ lớn 4,7 độ.
Cả nước đã xảy ra 25 trận động đất nhỏ, có độ lớn từ 2,5 đến 4 độ richter trong 2 tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý phần lớn các trận động đất xảy ra tại huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum.
Theo nhận định của các chuyên gia, động đất năm 2023 tại Kon Plông, địa bàn xây thủy điện Thượng Kon Tum có điểm chung với hiện tượng ở đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam - đều là động đất kích thích, xảy ra ở khu vực hồ chứa. Khi các nhà máy thủy điện hoạt động làm tăng ứng suất gây sức ép xuống lòng đất, dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất.
Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Đồng thời, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Để đảm bảo an toàn, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Cùng với đó, chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này. Đặc biệt, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.