Xây sân tập lái xe trên đất nông nghiệp - Bài 2: Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo, nhưng…
Dư luận bức xúc việc xây dựng ồ ạt bãi tập lái xe trên đất nông nghiệp khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thậm chí một số sân bãi đã đưa vào hoạt động suốt thời gian dài nhưng huyện Bình Chánh vẫn chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm.
Trên “nóng”
Sau khi nhận được báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 20/9/2023 Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 10228/VP-ĐT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường.
Theo đó, ông Bùi Xuân Cường giao UBND huyện Bình Chánh khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để xảy ra nhiều công trình vi phạm với quy mô lớn nhưng không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các trường hợp vị phạm tương tự trên địa bàn để khẩn trương xử lý, khắc phục dứt điểm.
UBND Thành phố cũng giao Sở GTVT khẩn trương rà soát việc cấp phép hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch được nêu trong báo cáo của Sở Xây dựng; xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Đồng thời nghiên cứu ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng để tham mưu trình Chủ tịch UBND Thành phố các giải pháp, chế tài đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bản Thành phố có vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng trước khi thực hiện cấp phép hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Ngoài ra UBND Thành phố cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bình Chánh tăng cường công tác phối hợp kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, ngay từ đầu các trường hợp vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn theo quy định pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 2/12/2019 của UBND Thành phố.
Dưới “lạnh”?
Việc xây dựng các bãi tập lái xe vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai rõ ràng có trách nhiệm của chính quyền huyện Bình Chánh đã đành, dư luận cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Sở GTVT trong quản lý chuyên ngành về cấp phép Đào tạo lái xe tại các trung tâm sử dụng các khu đất nói trên.
Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, Sở chỉ quản lý công tác chuyên môn, cấp phép Đào tạo lái xe đủ điều kiện được quy định theo Nghị định số 65 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 138). Để đảm bảo việc cấp phép Đào tạo lái xe được diễn ra đúng quy định, Sở GTVT Thành phố cũng đã xin ý kiến và được Cục Đường bộ việt Nam đề nghị chỉ kiểm tra hồ sơ và điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo để cấp Giấy phép đào tạo theo quy định.
Thời gian qua, Sở GTVT đã đôn đốc các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục về sử dụng đất làm sân tập lái xe theo đúng quy định. Các cơ sở cũng đã có văn bản gửi UBND quận huyện để lấy ý kiến đối với việc sử dụng đất làm sân tập lái xe.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP.HCM: Việc sử dụng đất làm sân tập lái xe không xây dựng công trình kiên cố, không ảnh hưởng môi trường; khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch, các cơ sở có thể nhanh chóng di dời. Đồng thời việc xây dựng sân tập lái xe phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ giúp giải quyết việc làm tại địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân Thành phố cũng như các địa phương khác trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo lái xe nói trên đã thành lập và hoạt động trong thời gian dài; trong quá trình hoạt động đã tích cực đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên, góp phân tích cực vào việc đào tạo nghề lái xe trên địa bàn Thành phố.
Từ đó Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND các quận huyện chủ trì việc rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với các khu đất phù hợp, tạo điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giúp cơ sở đào tạo lái xe hoạt động ổn định lâu dài, có điều kiện làm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, đồng thời xem xét có ý kiến đối với việc tồn tại tạm thời các sân tập lái xe không phù hợp về quy hoạch cho đến khi nhà nước thực hiện theo quy hoạch sẽ tháo dỡ di dời mà không được bồi thường. Trên cơ sở đề xuất này, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu công tác quản lý về sử dụng đất đối với các sân tập lái xe ô tô trên địa bàn.
Đáng chú ý, ngày 6/4/2023 Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với Sở GTVT và UBND huyện Bình Chánh để rà soát pháp lý và đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp nêu trên. Tại đây đại diện Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: Các sân tập và sân thi lái xe ô tô, các công trình phục vụ học lái xe được xây dựng không phép, xây dựng trên đất bị cấm xây dựng (đất nông nghiệp) vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng nhưng vẫn được cấp giấp phép đào tạo, sát hạch và dạy nghề.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô chỉ xem xét trung tâm có đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định tại Nghị định 65 của Chính phủ quy định, không xem xét pháp lý về đất, đầu tư xây dựng và thực tế quá trình xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng của UBND huyện Bình Chánh.
Trong khi đó, theo đại diện UBND huyện Bình Chánh: Đối với các trường hợp nhóm 1, UBND huyện Bình Chánh thống nhất ủng hộ cho các doanh nghiệp liên hệ các Sở, ngành để thực hiện hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng.
Đối với các trường hợp nhóm 2, UBND huyện Bình Chánh đề nghị các doanh nghiệp sau khi Sở GTVT có ý kiển về việc cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô và Sở LĐTBXH có ý kiến về việc cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề thì UBND huyện sẽ đề xuất phương án xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với các trường hợp thuộc nhóm 3, đã bị xử lý vi phạm hành chính, có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tiếp tục thực hiện các quyết định xử phạt và xử lý dứt điểm vi phạm. Riêng các trường hợp nhóm 3 chưa triển khai thì UBND huyện Bình Chánh theo đõi giám sát không cho triển khai xây dựng.
“Tâm điểm” vi phạm
Chỉ trong thời gian từ 3-4 năm trở lại đây, huyện Bình Chánh được biết đến là địa bàn “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai, hàng loạt cán bộ tại đây đã bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Có thể kể đến vụ xây dựng trái phép nhà hàng Bình Xuyên, nhà hàng Hương Dừa, Gia Trang quán - Tràm Chim resort...Hay như tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh mà Báo Lao động Thủ đô đã từng phản ánh.
Năm 2019 có tới 30 tập thể, cá nhân, trong đó có nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp xã đến Phòng quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng bị kỷ luật. Công an huyện Bình Chánh cũng đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối với một số cán bộ có liên quan.
Vào tháng 5/2020, Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã có buổi kiểm tra công tác quản lý xây dựng, đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh. Tại đây lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đã thừa nhận vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện như con bạch tuộc nhiều vòi, không chỉ bên trong - gắn với một số cán bộ trong bộ máy, mua chuộc cán bộ làm ngơ còn bên ngoài là đầu nậu xây dựng trái phép. Việc xử lý hàng loạt cán bộ, có xử lý cả hình sự nhưng mới xử lý được "phần nổi của tảng băng chìm".
Không chỉ xảy ra nhiều vụ vi phạm mới mà số vụ vi phạm cũ còn tồn tại, chưa bị xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm vẫn còn rất nhiều khi có tới 80% vụ việc (trong tổng số khoảng 10.000 trường hợp xây nhà không phép, thống kê vào thời điểm năm 2020) không xử lý được.
Vào năm 2022, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế 17 căn nhà xây dựng không phép ở Bình Chánh gần cạnh UBND xã Vĩnh Lộc A. Gần đây nhất, Huyện ủy huyện Bình Chánh đã kiểm điểm 7 tổ chức đảng và 55 đảng viên, kỷ luật 81 cán bộ, công chức liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đất đai, xây dựng…
Để làm rõ tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng như trách nhiệm của UBND huyện Bình Chánh, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã liên hệ với lãnh đạo nơi đây (Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh phụ trách khối đô thị - xây dựng và Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Chánh) nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi một cách khó hiểu.
Điều này càng khiến dư luận hoài nghi hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai tại huyện Bình Chánh. Và rằng có hay không sự buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt, thậm chí bao che cho sai phạm trong việc xây dựng nhiều bãi tập lái xe trên đất nông nghiệp trong suốt thời gian dài?
Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.