'Xây' ước mơ cho học sinh giữa ngày Đông giá rét

2 phòng học dần được hình thành bởi sự nỗ lực của cả 'chủ đầu tư' lẫn 'nhà thầu' sao cho kịp tiến độ, bàn giao công trình cho thầy trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trước Tết. Việc làm của các nhà hảo tâm, thầy, cô giáo và những người lính Biên phòng như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn cho các em học sinh Vân Kiều, Pa Cô thân yêu giữa ngày Đông giá rét.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh tham gia xây dựng phòng học cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh tham gia xây dựng phòng học cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Câu chuyện được bắt đầu từ 1 tháng trước, khi cán bộ, nhân viên Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) và nhà hảo tâm Nguyễn Mai Lan (sinh sống và làm việc tại Hà Nội) tặng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing số tiền đủ để xây 2 phòng học. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa, quý giá đối với thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên trong nhà trường và đặc biệt là các em học sinh nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing chia sẻ: “2 phòng học có diện tích 96m2, trị giá gần 500 triệu đồng này sẽ góp phần nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng dạy học của nhà trường. Chúng tôi, những người làm nghề dạy chữ chỉ mong các em được đi học và được học trong môi trường lành mạnh, đầy đủ. Có con chữ, các em có cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình”.

Những lời chia sẻ của người thầy giáo có nhiều năm gắn bó với học trò đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao biên giới Hướng Hóa khiến nhiều người xúc động. Nhắc đến thầy Nguyễn Mai Trọng, người ta nhớ đến một người thầy tận tâm với công việc và yêu thương học trò vô bờ bến. Thầy đã kết nối với nhiều đơn vị, nhà hảo tâm để các em học sinh có thêm chiếc áo ấm, tập vở, đồ dùng học tập. Không chỉ quan tâm hỗ trợ vật chất, thầy và Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo trong trường cũng luôn quan tâm đến đời sống văn hóa, tỉnh thần cho học sinh. Đó là tư vấn tâm lý học đường việc vô cùng quan trọng, góp phần giúp học sinh từng bước hoàn thiện về nhân cách, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có kỹ năng sống tốt, tăng “sức đề kháng” trước các tệ nạn xã hội, cách ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing đã mời chuyên gia tư tấn tâm lý đến nói chuyện, tư vấn cho các em học sinh. Việc làm này nhằm mục đích tăng cường giáo dục ý thức học sinh, góp phần xây dựng một nền giáo dục kỷ cương, lành mạnh.

Thực ra, việc chăm lo cho học sinh không chỉ là thầy, cô giáo mà có sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (BĐBP Quảng Trị). Những năm qua, đơn vị đã kêu gọi nhà hảo tâm tặng cả trăm bộ bàn ghế, ti vi, hàng nghìn bộ quần áo, sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập và tổ chức những bữa tiệc buffet để học sinh được trải nghiệm. Đặc biệt là Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đã nhận đỡ đầu nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Theo đó, hằng tháng, đơn vị hỗ trợ tiền, thăm hỏi, động viên và giữ mối liên hệ với các thầy, cô giáo để theo dõi sát sao việc học tập của các cháu học sinh được nhận đỡ đầu.

Khi Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing nhận được sự hỗ trợ xây dựng 2 phòng học, Đồn Biên phòng Thanh đã quyết định “góp phần” bằng việc cử cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng công trình. Sự tích cực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành để đưa công trình sớm đi vào hoạt động. Thực tế, giá nguyên vật liệu hay công xây dựng ở miền núi luôn cao hơn so với miền xuôi, bởi vậy mà cán bộ, chiến sĩ tới hỗ trợ nhân công sẽ giảm được chi phí, tiền của nhà tài trợ tập trung vào chất lượng công trình.

Hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ đã được phân công theo lịch, sau giờ ăn sáng di chuyển sang công trình xây dựng lớp học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing để phụ giúp việc xây dựng. Hôm nay, tới phiên của Thiếu tá Hồ Văn Niên (Đội trưởng Đội Vũ trang), Trung tá Hồ Văn Sư (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng), Thượng úy Hồ Văn Chi (nhân viên Đội Vũ trang), Binh nhất Hồ Văn Trung (Đội Tham mưu - Hành chính). Công việc khá nặng nhọc, vất vả, nhất là trong tiết trời ngày Đông ở biên giới, thế nhưng không một lời kêu ca, phàn nàn, bởi ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm.

Hình ảnh đẹp của các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Hình ảnh đẹp của các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Thiếu tá Hồ Văn Niên, Trung tá Hồ Văn Sự, Thượng úy Hồ Văn Chi, Binh nhất Hồ Văn Trung đều là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Điểm chung là các anh có tuổi thơ khó khăn, vất vả, biết bao lần tưởng chừng phải lỡ dở con đường đến trường. Bởi vậy, hơn ai hết, các anh thấu hiểu rằng, tri thức mới giúp các em học sinh ở vùng Lìa này có cơ hội thay đổi cuộc sống. Thiếu tá Hồ Văn Niên và Trung tá Hồ Văn Sự khi mới nhập ngũ còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tạo điều kiện tiếp tục học để phục vụ quê hương. Có thể thấy, “sự đầu tư” của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị năm nào, bây giờ đã thành công, bởi các anh đều là những cán bộ chịu thương, chịu khó và đầy trách nhiệm.

Thượng úy Hồ Văn Chi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Vân Kiều nghèo ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Anh chia sẻ về việc học của mình: “Ngày đó, để đi được từ Cù Bai về thị trấn Khe Sanh, chúng tôi phải đi bộ mất mấy ngày, theo đường mòn vắt qua những đỉnh núi, thậm chí đi sang cả đất Lào vì chưa có đường Hồ Chí Minh như bây giờ. Cũng bởi thế mà sĩ số học sinh rơi rớt dần, không phải ai cũng kiên trì được với con đường đến trường”. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả cũng như giá trị của con chữ đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới, Thượng úy Hồ Văn Chi thấy việc làm của mình và đồng đội càng trở nên ý nghĩa, bởi vậy mà luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là Binh nhất Hồ Văn Trung sẽ hoàn thành nghĩa vụ sau 2 năm nhập ngũ. Thời gian trôi nhanh là bởi cuộc sống trong quân ngũ vô cùng ý nghĩa. Đó là những lần Hồ Văn Trung được tham gia trao quà hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình khó khăn trên địa bàn; tặng áo ấm, sách vở cho học sinh hay phụ giảng cho các lớp học xóa mù cho nhân dân trên địa bàn do đơn vị phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức... Chắc chắn, khi rời xa mảnh đất biên cương này, Binh nhất Hồ Văn Trung sẽ không thể quên những tháng năm tươi đẹp, vô cùng ý nghĩa đã có. Nhìn những người lính Biên phòng nhỏ giọt mồ hôi giữa cái rét của mùa Đông lạnh giá càng tô thắm thêm vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-uoc-mo-cho-hoc-sinh-giua-ngay-dong-gia-ret-post485013.html