Xe bị tịch thu, bỏ rơi sau bao lâu sẽ bị sung công?
Phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, không xác định được chủ xe sẽ được xác lập quyền sở hữu toàn dân, bán thanh lý để sung công quỹ, theo quy định mới có hiệu lực từ 1/4/2025.
Nghị định 77/2025 của Chính phủ vừa ban hành, quy định 9 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, là hình thức sở hữu chung mà chủ thể đại diện là Nhà nước.
Trong đó, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là loại tài sản sở hữu toàn dân (điểm a, khoản 1, điều 3, nghị định 77/2025).
Về thời hạn xử lý, trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản.
Nghị định cũng quy định tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, gồm: “Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Một bãi giữ xe vi phạm của công an TP.HCM, trong đó nhiều xe thuộc diện "tài sản đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu". Ảnh minh họa
Như vậy, xe cộ bị bỏ rơi, khi hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính mà chủ xe không đến nhận, bị coi là "tài sản đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu" (điều 3 nghị định 77/2025).
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (đoàn luật sư TP Hà Nội), mấy năm qua, công an nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM “than khổ” vì phải quản lý xe cộ bị tịch thu rất lâu, tài sản xuống cấp do để ngoài trời, trong khi tiền thuê kho bãi, ngân sách phải chi trả.
Hai năm qua, công an TP.HCM cho biết đơn vị luôn quá tải kho chứa số xe vi phạm lên tới 17.000 chiếc. Tất cả kho bãi đủ điều kiện PCCC đều quá tải, phải xếp chồng lên nhau.
“Quy định mới giúp cơ quan chức năng địa phương có cơ sở pháp lý bán thanh lý xe cộ bị tịch thu, bị bỏ rơi theo hạn định. Việc này làm giảm lãng phí từ hao mòn tự nhiên của xe cộ, đồng thời bớt gánh nặng tiền thuê kho bãi giữ xe”, luật sư Sơn nói.
Từ năm 2024, người đi xe máy có 12 hành vi dưới đây sẽ bị tịch thu phương tiện (theo nghị định 168/2024), gồm: Đua xe trái phép trên đường giao thông; Dùng chân điều khiển xe; Ngồi về một bên điều khiển xe; Nằm trên yên xe điều khiển xe; Thay người điều khiển khi xe đang chạy; Quay người về phía sau để điều khiển xe; Bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; Điều khiển phương tiện mà không có giấy đăng ký...
Sử dụng chứng nhận đăng ký xe không do đúng cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số động cơ (số máy) của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng nhận nguồn gốc xe, chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp) cũng là hành vi dẫn đến bị tịch thu phương tiện.
Đối với ô tô, loạt vi phạm hành chính có thể dẫn đến bị tịch thu phương tiện, gồm: Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông; Cải tạo ô tô loại khác thành ô tô chở người; Chủ phương tiện tái phạm hành vi chở vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện; Đua xe ô tô trái phép trên đường giao thông…