Xe buýt Hà Nội 'dài cổ' ngóng làn ưu tiên
Hà Nội đang xây dựng lộ trình tổ chức 14 làn đường ưu tiên kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều người dân đi xe buýt.
Xe buýt đi chậm hơn xe máy, không nhanh hơn xe đạp
“Nói xe buýt phải sạch, đẹp mới thu hút được hành khách, điều này rất đúng. Nhưng theo tôi, đúng giờ mới là quan trọng nhất. Làm thế nào để xe buýt đúng theo lịch trình, đấy mới là cốt lõi để xe buýt hút khách.
Như hiện nay, đi xe buýt đã chậm hơn xe máy, thậm chí còn không nhanh hơn xe đạp thì ai muốn đi”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.
“Hiện nay, xe buýt đi chung với các phương tiện, giờ cao điểm ùn tắc, đông đúc, xe buýt thậm chí di chuyển chậm hơn xe cá nhân thì ngoài học sinh, sinh viên và người già, người đi làm không mấy ai muốn sử dụng.
Khi mở làn ưu tiên cho xe buýt sẽ giúp cải thiện năng lực vận chuyển, nâng cao điều kiện vận hành, thu hút nhiều người dân lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, giảm số lượng phương tiện cá nhân”, ông Thông nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tốc độ bình quân của xe buýt thậm chí còn không đạt được 20km/h, mà chỉ khoảng 14 - 15km/h. Một số tuyến còn chậm hơn, điển hình như tuyến 32 Giáp Bát - Nhổn (dài 14km đi hết 70 phút), tuyến 03 Giáp Bát - Gia Lâm (dài 12km đi hết 60 phút).
Nhìn sang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo các chuyên gia, sở dĩ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô ngày càng hút khách là do tính ưu việt về đúng giờ của phương tiện này.
Trực tiếp có mặt trên tàu, PV ghi nhận tàu chạy toàn tuyến hết khoảng 23 phút, thời gian di chuyển giữa hai ga trung bình khoảng 1 phút 40 giây.
Ở mỗi điểm dừng tại các nhà ga giữa tuyến, thời gian dừng tàu khoảng 25 giây.
Trong khi đó, nếu đi bằng xe máy từ điểm cuối ga Yên Nghĩa - điểm đầu ga Cát Linh (13,5km) mất 31 phút di chuyển (thời gian khảo sát vào ngày Chủ nhật, trên các tuyến đường không gặp bất kỳ một điểm nào ùn tắc nào, xe di chuyển với tốc độ trên dưới 40km/h).
Như vậy, thời gian di chuyển bằng xe cá nhân (thường nhanh hơn so với xe buýt, ô tô khi lưu thông trong nội đô) trong ngày nghỉ, đường thông thoáng cũng chậm hơn gần 10 phút so với di chuyển bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông.
“Ngóng” đường dành riêng
Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt, trong đó: Giai đoạn từ nay đến năm 2025 nghiên cứu tổ chức 9 làn ưu tiên: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt.
Giai đoạn năm 2026 - 2030 nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên (dọc theo QL1 cũ).
“Thời gian vừa qua, do dịch Covid-19 tần suất hoạt động của xe buýt cũng nhiều lần bị điều chỉnh, dừng hoạt động nên đến thời điểm này, chúng tôi đang lên kế hoạch khảo sát để tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt”, ông Phương nói.
Về những ý kiến trái chiều cho rằng việc mất đi một làn đường (dành riêng cho xe buýt), các phương tiện đi lại trong bề mặt tuyến đường nhỏ hơn hiện nay sẽ càng làm vấn đề ùn tắc thêm trầm trọng, ông Phương cho hay: “Việc nghiên cứu triển khai một tuyến đường ưu tiên cho xe buýt đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ”.
Muốn có đường dành riêng cho xe buýt, đầu tiên hạ tầng phải tốt (đường phải rộng 6 làn xe, rộng từ 30m trở lên), đường phải liên thông. Nhu cầu đi lại giao thông công cộng trên tuyến đường phải ở mức trên 1.920 hành khách/giờ…
Ông Phương cũng khẳng định, việc tổ chức làn đường riêng, ưu tiên cho loại hình vận tải hành khách công cộng hiện nay để đi nhanh hơn phương tiện cá nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, để có thể tổ chức được các làn riêng này còn rất nhiều việc phải làm.
“Hiện nay, xe buýt Hà Nội đang phải lưu thông cùng với các loại hình phương tiện khác, chịu chung áp lực, xung đột giao thông, dẫn đến thời gian hành trình chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Thiếu làn đường riêng khiến xe buýt không thể phát huy tối đa hiệu quả, khó lòng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chưa kể, những tiềm ẩn về ATGT rất dễ xảy ra khi các điểm đỗ của xe buýt có xung đột lớn với phần đường cho người đi xe gắn máy, xe thô sơ và càng khiến cho hình ảnh xe buýt trở nên xấu xí với người dân”, ông Phương nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông cho rằng, hiện nay tỷ lệ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa được 20%. Để con số này có thể tăng lên thành 30 - 40% giai đoạn năm 2025 - 2030, Hà Nội cần khẩn trương thiết lập làn đường ưu tiên cho xe buýt. Khi có làn đường ưu tiên, xe buýt sẽ đi nhanh hơn phương tiện cá nhân và chắc chắn sẽ thu hút khách khách sử dụng.
Sở GTVT Hà Nội cho hay, đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu việc tổ chức 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt này. Tuy nhiên, để khả thi, sẽ cần phải hoàn thiện hạ tầng, tổ chức lại giao thông trên một số tuyến đường.
“Sau khi hoàn thiện về những yêu cầu trên, chúng tôi sẽ cho tổ chức thí điểm rồi đánh giá hiệu quả”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-buyt-ha-noi-dai-co-ngong-lan-uu-tien-d553989.html